Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
HomeGiải TríLỊCH SỬ, SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGƯỜI HMONG ĐỒNG VĂN VÀ HUYỀN...

LỊCH SỬ, SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGƯỜI HMONG ĐỒNG VĂN VÀ HUYỀN THOẠI VUA MÈO VƯƠNG CHÍNH ĐỨC

71 / 100

(Sưu tầm)

Toàn cảnh dinh thự vua Mèo nhìn từ trên cao gói gọn trong một hình tròn trên đỉnh mu rùa (ảnh Lê Việt Khánh)
Ảnh: Toàn cảnh dinh thự vua Mèo nhìn từ trên cao gói gọn trong một hình tròn trên đỉnh mu rùa (ảnh Lê Việt Khánh – Sói Sầu)

Theo lời ông Hùng Đình Quý (nguyên Chủ tịch huyện Đồng Văn – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Giang).
Nếu lên Sơn La, Điện Biên, không thể thiếu câu chuyện về vua Thái Đèo Văn Long, lên Lào Cai, không thể không nghe kể về vua Mèo Hoàng A Tưởng; lên Hà Giang, nhất định phải biết về cha con Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình.

Đó là cách nói dí dỏm khi ông bắt đầu kể những câu chuyện về lịch sử của người Mông và những vị vua Mèo của người Mông ở Đồng Văn. Hàng thế kỷ qua, những câu chuyện về cha con Vương Chính Đức và Vương Chí Sình là những câu chuyện luôn gây tò mò và thôi thúc không biết bao người đặt chân đến cao nguyên đá.

Có thể nói lịch sử của người Mông Đồng Văn là lịch sử của một cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử dân tộc Mông. Là lịch sử của vị thủ lĩnh người Mông đã đứng lên chống Pháp. Lịch sử của vị Vua Mèo với những câu chuyện đã thành huyền thoại.

Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng đất mà người Mông, người Lô Lô, người Tày..cùng sinh sống nhiều đời nay. Theo những ghi chép của lịch sử, người Mông xuất hiện ở Đồng Văn vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, muộn hơn so với những dân tộc khác. Nhưng người Mông là dân tộc chiếm ưu thế hơn cả, cũng là dân tộc để lại nhiều dấu ấn nhất ở vùng đất này.

Lịch sử định cư và thiên di của người HmongNgười Mông xưa kia là một đại tộc lớn sống ở vùng Kinh Châu – Giang Hoài (nay thuộc tỉnh Hồ Nam và một phần tỉnh Quý Châu, Trung Quốc), là một phần trong liên minh bộ lạc Miêu – Dao được hình thành với khoảng thời gian 5000 năm lịch sử. Trong lịch sử của mình, đại tộc người Mông ở Kinh Châu – Giang Hoài cũng có chung một đặc điểm với dân tộc Việt Nam: luôn bị sự đe dọa của nhà Hán từ phương Bắc uy hiếp xuống.

Thời thịnh trị nhất của nhà Hán, nhà Hán đem quân đi thống nhất Trung Quốc, khuất phục các bộ tộc lớn và xâm lược các nước lân bang. Ở Trung Quốc, người Mông là đại tộc luôn khiến nhà Hán vừa căm ghét và khó chịu. Dân tộc Mông thông minh, can đảm, trí dũng hơn người bị nhà Hán coi là dân tộc có thể đe dọa đến sự tồn vong của vương triều nhà Hán nên suốt bao đời vua Hán đều cử quân đi khuất phục đại tộc Mông. Nhưng những cuộc chinh phạt của người Hán đều thất bại bởi vấp phải sự chống trả kiên cường của người Mông.

Tuy nhiên để bảo vệ được sự tồn vong của dân tộc mình, người Mông ở Kinh Châu – Giang Hoài cũng phải trả giá không ít. Qua mỗi thế kỷ, những cuộc chiến tranh lại khiến dân số người Mông ít dần đi, người già, đàn bà và trẻ con ngày càng nhiều hơn đàn ông. Cuối thế kỷ XVII, có một cuộc giao tranh quyết liệt đã xảy ra giữa đại tộc Mông và Hán triều.

Thủ lĩnh người Mông ở Kinh Châu – Giang Hoài khi đó đã hô hào đàn ông đứng lên chống lại Hán triều một lần nữa. Đó cũng là trận chiến khiến người Mông bị tổn thất nhiều nhất và bị đánh bật về phương Nam. Sau trận chiến này, trước những thương vong mà dân tộc mình đã phải chịu đựng, thủ lĩnh người Mông ở Kinh Châu – Giang Hoài khi ấy đã có một quyết định cuối cùng để bảo vệ giống nòi và để dân tộc mình vĩnh viễn thoát khỏi những cuộc chiến đấu tranh giành lãnh thổ.

Vị thủ lĩnh ấy kêu gọi đồng bào Mông: “Tất cả đại tộc hãy đi đến phương Nam. Đi đến nơi những vùng đất cao nhất, xa nhất, nơi chưa từng có ai đặt chân đến thì hãy dừng lại, dựng nhà cửa, làm nương rẫy, lấy chồng lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Đó sẽ là quê hương mới của người Mông”.

Sau lời kêu gọi của vị thủ lĩnh người Mông ấy, người Mông ở Kinh Châu – Giang Hoài (thuộc tỉnh Quý Châu) đã bỏ xứ sở đi về phương Nam trong cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử dân tộc Mông. Cuộc thiên di đó đã đưa người Mông đến với những vùng đất phía Bắc Việt Nam. Mệnh lệnh mà thủ lĩnh người Mông năm ấy đã ban đã được đồng bào Mông thực hiện một cách nghiêm ngặt: họ chọn những vùng núi cao nhất, xa nhất, hoang vu nhất để dừng lại, lập quê hương, bản làng mới. Đó là lý do giải thích cho thói quen sống ở trên những vùng núi cao ít người của dân tộc Mông.

Trong cuộc thiên di ấy, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những nơi được người Mông chọn làm quê hương mới. Đến bây giờ, người Mông Hà Giang vẫn còn truyền tụng về lịch sử dân tộc mình qua những câu hát: “Quý Châu là quê hương yêu dấu của đồng bào Mông ta. Vì người Mông ta đói rách, vì dân Mông ta không có chữ, thua kiện người Hán nên phải mất nương, vì người Mông ta không có chữ nên phải dời quê hương đến xứ sở này”.

Cuộc thiên di của người Mông đến cao nguyên đá Đồng Văn đã đánh dấu một thời kỳ quan trọng trong lịch sử của dân tộc Mông, với sự hình thành những vị Vua Mèo với uy danh vang khắp vùng núi phía Bắc. Đầu thế kỷ XVIII, Đồng Văn có trên dưới 10 vạn người Mông, bao gồm họ Vàng, họ Dương, họ Mã…là những dòng họ lớn nhất.

Mỗi họ có một phong tục riêng, một thói quen thờ cúng, sinh hoạt riêng, bên cạnh những tập tục đặc trưng của người Mông. Mỗi họ cũng có một thủ lĩnh do cả họ nhất trí suy tôn lên làm người đứng đầu. Những thủ lĩnh dòng họ này có trách nhiệm bảo vệ sự an nguy và sức sống của cả dòng họ và phần lớn đều xuất thân từ những gia đình danh giá, giàu có nhất trong dòng họ.

Xuất thân của Vương Chính Đức
Theo nhà nghiên cứu Hùng Đình Quý, Vua Mèo Vương Chính Đức xuất thân nghèo khó. Ông là con trai trong một gia đình người Mông nghèo thuộc họ Vàng. Trước khi được biết đến với cái tên Vương Chính Đức, ông chào đời ở Sà Phìn – Đồng Văn với cái tên Vàng Dúng Lùng.

Vàng Dúng Lùng có một tuổi thơ vất vả. Từ nhỏ bố đã mất, Vàng Dúng Lùng đã phải cùng mẹ và anh trai Vàng Trá Pò lao động cực khổ để tồn tại. Nhưng người già ở Đồng Văn, đặc biệt là ở Sà Phìn – quê hương của Vương Chính Đức – Vàng Dúng Lùng nói, cha mẹ họ, ông bà họ, những người từng chứng kiến Vàng Dúng Lùng lớn lên đều đã sớm thấy khí chất đặc trưng của một người Mông thông minh, quả cảm, luôn khám phá mọi vùng đất xung quanh mình.

Từ nhỏ Vàng Dúng Lùng đã rất hiếu động, thông minh. 10 tuổi, Vàng Dúng Lùng đã biết đi bộ lang thang khắp những vùng núi cao ở Mèo Vạc. Không một bản làng nào, Vàng Dúng Lùng chưa đi qua. Không một người Mông nào ở Đồng Văn, Vàng Dúng Lùng chưa gặp một lần.

Vàng Dúng Lùng thường chỉ về nhà khi chợt nhận ra mình đã đi quá lâu và thường khi ông về, mẹ ông đã suýt không còn nhận ra cậu con trai mà mỗi lần đi lại thấy già dặn, từng trải thêm một chút. Đến tuổi thanh niên, Vàng Dúng Lùng đã là một chàng trai người Mông can đảm, dũng cảm, không sợ hổ báo, không sợ thú dữ mỗi khi đi rừng và có tài khổi khèn hay nức tiếng khắp vùng núi cao Đồng Văn.

Quay trở lại lịch sử. Khi người Mông bắt đầu cuộc thiên di xuống phương Nam và dừng lại ở Đồng Văn, vị thủ lĩnh người Mông được lưu truyền lại trong lịch sử người Mông đã mơ ước dân tộc Mông sẽ được sống hòa bình ở vùng đất mới, không phải chịu cảnh đổ máu, chết chóc như suốt lịch sử của mình. Nhưng ước mơ của vị thủ lĩnh đó không thành hiện thực.

Thời Vàng Dúng Lùng sinh ra và lớn lên cũng là thời mà lịch sử phong kiến Việt Nam chứng kiến cuộc xâm lăng của thực dân phương Tây. Sau khi khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp bắt đầu tiến lên chinh phục các bộ tộc ít người ở vùng núi phía Bắc, trong đó có Đồng Văn.

Cùng lúc đó, triều đình Mãn Thanh cũng tiến quân xuống Đồng Văn, với ý định tiêu diệt những nhóm quân nổi dậy người Mông đang hình thành ở Đồng Văn, vì lo ngại những nhóm quân khởi nghĩa này có thể làm nguy hiểm đến sự cai trị của triều Mãn Thanh ở vùng biên giới giáp Việt Nam. Ở Đồng Văn cũng xuất hiện những nhóm quân nổi dậy từ Trung Quốc dạt sang, với âm mưu đánh chiếm Đồng Văn.

Đứng trước hiểm họa đó, người Mông ở Đồng Văn, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Vừ Phán Lùng đã đứng dậy, sẵn sàng đánh quân Thanh và đánh quân Pháp đang tiếng vào Đồng Văn. Trong dòng họ Vàng của Vàng Dúng Lùng, cũng có một người theo Vừ Phán Lùng đánh giặc, là Vàng Dí Tủa. Trong cuộc nổi dậy đó, Vừ Phán Lùng đã bị phản bội và giết chết, người Mông ở Đồng Văn bị những nhóm quân nổi dậy Trung Quốc dạt vào Đồng Văn khi đó giết chết dã man.

Vàng Dí Tủa được người Mông Đồng Văn bầu lên thay làm thủ lĩnh cũng chết không lâu sau đó vì bệnh tật. Một lần nữa, cộng đồng người Mông lại họp lại. Vàng Dúng Lùng đứng lên làm thủ lĩnh người Mông thay Vàng Dí Tủa. Dưới sự lãnh đạo của Vàng Dúng Lùng, người Mông Đồng Văn đã đánh bạt những phiến quân ở Đồng Văn, thống nhất toàn bộ vùng Đồng Văn. Thừa thắng xông lên, người Mông Đồng Văn lại tiếp tục sát cánh bên Vàng Dúng Lùng, cùng thủ lĩnh Vàng Dúng Lùng đánh giặc Pháp.

Quân Pháp khi đưa quân lên Cao Bằng, Hà Giang và sau một thời gian củng cố lực lượng, đã bắt đầu tiến hành cuộc chinh phạt Đồng Văn trong suốt hơn 10 năm, từ đầu những năm 1900 với quyết tâm thống trị hoàn toàn vùng đất này, đặt vùng đất này dưới ách đô hộ. Khi thực hiện cuộc chinh phạt này, người Pháp rất tự tin vào sức mạnh của mình và khả năng khuất phục một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu, nghèo đói ở vùng núi cao.

Nhưng người Pháp không lường được những khó khăn ở Đồng Văn. Ngay cả khi chúng đã đặt được những đồn trú ở Đồng Văn, ngay cả khi chúng đã gây cho đồng bào Mông Đồng Văn không biết bao nhiêu tổn thất xương máu, thì chúng vẫn không thể khuất phục được người Mông Đồng Văn.

Đến lúc hiểu được về tập tục và văn hóa của người Mông, người Pháp hiểu rằng chỉ có một cách để tạm cai trị người Mông là phải chấp nhận đưa một thủ lĩnh người Mông lên nắm quyền – một thủ lĩnh mà bất cứ người Mông nào cũng sẵn sàng nghe theo. Và chúng đã chọn thủ lĩnh Vàng Dúng Lùng. Để bắt tay được với thủ lĩnh người Mông, người Pháp đã ký với Vàng Dúng Lùng một hòa ước cam kết rút hết khỏi Đồng Văn và cho người Mông được quyền tự trị với sự giám sát của một nhóm đồn trú của Pháp ở Đồng Văn và một đơn vị hành chính của triều Nguyễn.

Cùng lúc đó, nhà Nguyễn cũng phong cho Vàng Dúng Lùng chức quan Bang Cơ, cai quản vùng Đồng Văn. Vàng Dúng Lùng cũng được cấp mũ mão, áo quan và được ăn lương của triều Nguyễn. Kể từ đó, Vàng Dúng Lùng bắt đầu đi vào lịch sử vùng Đồng Văn với cái tên Vương Chính Đức.

Ông trở thành Vua Mèo như một lẽ tự nhiên trong tâm thức của 7 vạn dân ở Đồng Văn, là vị thủ lĩnh đã bảo vệ người Đồng Văn trước gót giày bắn phá, chém giết của thực dân Pháp. Chính vì thế, tuy là người Mông, nhưng ông cũng được các dân tộc khác ở Đồng Văn tôn sùng.

Lời phán của thầy phong thủy và bí ẩn về sức mạnh khu đất xây dinh thự Vua Mèo.

Không thể phủ nhận được vai trò của Vương Chính Đức trong một gian đoạn lịch sử loạn lạc đã giúp cao nguyên Đồng Văn với 7 vạn dân có được quyền tự trị nhất định, không chịu cảnh bóc lột của thực dân như những vùng đất khác ở Đồng Văn. Thời đó, người Mông ở Đồng Văn sống chủ yếu bằng cách trồng cây thuốc phiện.Sau khi ký hòa ước với Pháp, Vương Chính Đức cũng đã thỏa thuận với người Pháp trong việc mua bán thuốc phiện. Người Pháp đã buộc phải chấp nhận mua thuốc phiện của Vua Mèo Vương Chính Đức với giá gấp đôi so với giá cũ. Nhờ thỏa thuận này, người Mông Đồng Văn đã có một quãng thời gian dài sống no ấm nhờ cây thuốc phiện. Vương Chính Đức nhanh chóng trở nên giàu có, với dinh cơ và tài sản lớn nhất vùng cao nguyên đá.

Dinh thự của Vua Mèo hiện nay vẫn còn ở Sà Phìn (Đồng Văn) chính là dinh thự do Vương Chính Đức xây lên vào thời hùng mạnh nhất của mình. Theo nhà nghiên cứu Hùng Đình Quý, mảnh đất mà Vua Mèo Vương Chính Đức chọn để xây dinh thự theo phong thủy có thế đất rất đẹp với hình mai rùa mà dinh thư Vua Mèo đặt ngay chính giữa chóp cao nhất của cái mai rùa đó.

Trong những huyền tích do người Mông Đồng Văn lưu lại về Vương Chính Đức, có không ít những câu chuyện là thật, cũng có không ít những câu chuyện được thêu dệt, thêm thắt truyền miệng qua người này đến người kia. Nhưng có một câu chuyện mà theo nhà nghiên cứu Hùng Đình Quý là tương đối chính xác, chính là câu chuyện về lý do vì sao Vua Mèo Vương Chính Đức lại chọn mảnh đất đó làm nơi dựng nhà.

Chuyện rằng khi Vương Chính Đức còn là một cậu bé thường xuyên lang thang khắp các xó xỉnh của vùng núi Đồng Văn, một hôm có một đoàn thương lái Trung Quốc đi qua Đồng Văn và dừng chân nghỉ lại ngay bên cảnh khu đất hình mai rùa ở Sà Phìn.

Trong đoàn thương lái đó có một người xem phong thủy rất giỏi, thấy khu đất trống đã bất chợt thốt lên: “Thế đất khu này quá đẹp. Ai biết mà dựng nhà ở đây, sau này không làm vua chúa cũng sẽ làm quan, được người người tôn sung, thờ phụng, vinh hoa phú quý đời sau ăn không hết”. Lúc đó Vương Chính Đức (lúc này hãy còn là cậu bé Vàng Dúng Lùng) đang ngủ trên cành cây ngay trên đầu vị thương lái có tài xem phong thủy, đã nghe lỏm được câu chuyện đó.

Cậu bé Vàng Dúng Lùng đã nghĩ sau này nhất định sẽ xây nhà trên mảnh đất đó. Sau này khi thành thủ lĩnh người Mông trong cuộc chiến đó, Vàng Dúng Lùng nhớ lại lời các thầy phong thủy nói năm xưa đã cho người đến xây nhà trên khu đất hình mai rùa ấy. Cũng kể từ khi dựng nhà trên khu đất đó, Vương Chính Đức đã ngày càng khẳng định được uy quyền của mình ở Đồng Văn.

Uy thế của ông cũng tăng lên sau mỗi chiến công mà ông lập được với vai trò thủ lĩnh. Sau khi ký thỏa hiệp với người Pháp, có trong tay một gia sản lớn, Vương Chính Đức đã cho xây dựng căn nhà ở Sà Phìn thành một dinh thự lớn, xứng với vị thế của mình, cũng ngay tại mảnh đất có hình mai rùa đó. Theo nhà nghiên cứu Hùng Đình Quý, dinh thự mà Vua Mèo Vương Chính Đức đã xây dựng ở Sà Phìn khác với kiến trúc của những ngôi nhà người Mông bình thường.

Dinh thự với hình dáng đó theo quan niệm của người Mông từ xa xưa truyền lại, là ngôi nhà chỉ dành cho vua chúa, những người có uy tín nhất vùng. Nhưng hầu như không có người Mông nào sống ở thời Vương Chính Đức được thấy kiến trúc đó. Sau cuộc thiên di, nhiều nét văn hóa của dân tộc Mông đã bị mất đi bởi chiến tranh, trong đó có những ngôi nhà uy nghi như trong dân ca người Mông.

Và Vua Mèo Vương Chính Đức đã cho xây dựng ngôi nhà của mình theo hình dung của ông về ngôi nhà qua những câu dân ca của người Mông mà ông đã đọc được. Đến ngày hôm nay, dinh thự Vua Mèo ở Sà Phìn vẫn là một nơi mà bất cứ người nào đặt chân lên cao nguyên đá Đồng Văn cũng không thể không đến. Nơi đó đã chứng kiến những năm tháng hùng mạnh nhất của dòng họ Vua Mèo Đồng Văn, cho đến khi những hậu duệ của ông rời Đồng Văn, đi đến những vùng đất khác, theo những thay đổi của lịch sử.

Chuyện huyền bí về dinh thự “Vua Mèo“

Sau hiệp ước Pháp-Mông tháng 10/1913 vùng Bắc Hà Giang mới được yên bình. Có một thuộc hạ của Vương Chính Đức tên là Cư Trồng Lù giữ chức Bách trưởng (đứng đầu chỉ huy 100 lính do Vương đặt ra, phiên chế trong lực lượng vũ trang Mông) hiểu biết về phong thuỷ gợi ý thủ lĩnh nên thay đổi nơi ở. Theo ông Lù nơi đang ở chân núi cao, cạnh hẻm núi không hợp tuổi ”vua” Mèo, không lợi cho hậu thế lâu dài. Nghe ra, họ Vương đã đi tìm thầy giỏi thiên văn, địa lý và thuật phong thuỷ từ bên Tàu về xem đất. Cuối cuộc khảo sát, thầy đã tìm được nơi đắc địa-đó là một thung lũng nhỏ, ở giữa có hình mai rùa-một trong tứ linh theo phong thủy.

Hiện trạng lúc đó, nơi này chỉ để chăn nuôi, nhốt súc vật lấy phân, toàn khu mai rùa trồng chè nên có tên Mông là TSùa Phình-nghĩa là bãi trồng chè. Theo thầy phán, nơi đây có vượng khí của bậc đế vương. Xây dinh lũy ở đây đảm bảo trọn vẹn 2 chức năng công, thủ. Những cung núi dựng đứng xung quanh chỉ có con đường nhỏ độc đạo sẽ ngăn quân thù giáp công 4 mặt. Khi tấn công quân thù khó thoát bởi nghĩa binh Mèo thông thạo các đường ngang ngõ tắt trên các triền núi, di chuyển cơ động chặn và tiêu diệt kẻ thù dễ như trong lòng bàn tay. Dinh thự trên lưng thần Kim quy là biểu tượng của sự vĩnh cửu. Hai ngọn núi phía Bắc nhô lên như 2 mâm xôi là sự đầy đặn, no đủ. Thế núi bao quanh là sự vững chãi, sâu rễ, bền gốc mãi về sau…

Tản mạn thêm về dinh thự “ Vua Mèo”

Theo lời kể của cụ Vương Quỳnh Sơn là cháu ruột gọi Vương Chí Sình là chú: khi thầy xem xong đất, đâu đã bắt tay xây ngay. Ban đầu chỉ làm một ngôi nhà trình tường, mái ngói chắc chắn và đủ chỗ ở cho gia quyến và người giúp việc cho các cụ. Đó chính là nhà cấp thứ 2 ở giữa (mà bọn nó gọi là trung dinh). Sau nhà cấp 1 phía trước, và trước nhà cấp 3 cao nhất là nơi cụ Đức ở. Nguyên bản của cấp nhà giữa này tường trình đúng như hiện nay. Từ khi chuyển về ở, nương chè bị phá dần đi. Thay vào đó cụ Vương cho trồng ngô và rau màu phục vụ cho sinh hoạt đời sống của gia đình và những người phục vụ. Vì địa thế Sà Phìn độc lập cách xa nơi dân cư, phòng khi có sự trắc trở, cơ nhỡ.

Sau cuộc chiến Pháp-Mèo nổ ra trên toàn cõi Đông Dương từ 1918-1921, Pháp-Tưởng liên kết tấn công vùng Mèo bắt được Vương Chính Đức. Tuy nhiên chúng không dám làm hại ông, vì quân dân Mông dưới sự chỉ huy của Vương Chí Sình vẫn kiên cường chiến đấu, đốt phá đồn bốt của Pháp, vừa đòi Pháp phải thả thủ lĩnh. Trước tổn thất và nguy cơ bị đẩy khỏi vùng núi đá, Pháp buộc phải thả vua Mèo, đồng thời đưa Vương Chính Đức làm đại diện của người Mèo trong công ty Á phiện Việt Điền chia nguồn lợi lớn trong buôn bán thuốc phiện.

Nhờ nguồn thu từ thuốc phiện không còn bị ép giá, ăn chia tỷ lệ công bằng mà họ Vương được hưởng lợi lớn đến nỗi phải xây hầm chứa thuốc phiện dự trữ. Ngoài ra, để ủng hộ vua Mèo xây dinh thự, một số thuộc hạ và dân Mèo tự nguyện cung tiến thêm nguồn lực cho họ Vương. Từ cơ sở dãy nhà 2 tầng có sẵn ở giữa, cụ Vương cho phát triển ra phía trước và phía sau tạo thành 3 cấp nhà khép kín. Xây thành bằng đá bao quanh và các phòng chức năng khác nhau trong dinh thự. Dinh thự được xây và hoàn thiện trong 4 năm, từ 1923-1926. Giai đoạn này cũng là thời kỳ Vương Chính Đức phất lên giàu có nhất. Thuốc phiện giúp xây dinh, giúp có nguồn lực nuôi lính, mua sắm vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho mưu kế lâu dài trong cuộc chiến đấu với quân Pháp, Tưởng, Nhật sau này.

Việc xây dinh thự, theo cụ Vương Quỳnh Sơn là do Tống Bạch Giao người Hán-là tướng biên cương dưới trướng tư lệnh Long Vân của Tưởng Giới Thạch ở Vân Nam giúp đỡ. Là chỗ quen biết nhau, vì Bạch Giao cùng có chân trong công ty Á phiện Việt Điền với ông Vương. Tống giới thiệu với ông Vương hiệp thợ người hồi giáo vốn nổi tiếng về xây đền đài, cung vua, phủ chúa của đạo Hồi. Nhân đây cắt ngang mạch viết, cung cấp cho bạn đọc một thông tin thú vị về vị tướng Hán này, sau năm 1932 khi đã làm chủ tình hình. Tưởng đánh cho quân của Hồng binh thua liểng xiểng.

Để chấn chỉnh quân ngũ, Tưởng ra lệnh cấm trồng cây thuốc phiện và tệ hút thuốc phiện. Vì thế công ty Á phiện Việt điền lại tan vỡ. Số thuốc phiện phía Trung Quốc (trong đó có cả của người Mèo vùng cao giáp biên)-mà Tống làm đại diện-bị Pháp không chuyển tiền trả. Chính Tống đã lừa Vương Chí Thành (người được cha giao cho việc giao dịch,buôn bán) và Ngô Chính Tường sang Vân Nam bắt giữ lại và đòi phải trả thay cho Pháp. Lúc này giá thuốc phiện đã tới 5 đồng bạc trắng/lạng. Họ Ngô và họ Vương phải vét thuốc phiện của gia đình và huy động trong dân cho đủ 18 thồ (tính theo đơn vị ngựa thồ=74kg) nộp cho Tống mới được thả về.

Trở lại chuyện xây dinh. Theo cụ Vương Quỳnh Sơn, thời gian này các dòng họ vùng cao giàu lên nhờ thuốc phiện nên thi nhau xây nhà to, dinh đẹp. Ngoài họ Vương còn có họ Ngô (Mèo) ở Lùng Chá Tổng, họ Ngô nữa ở Cẩu Phì Lũng đều ở Sà Phìn. Họ Cổng người Pu péo ở xã Phố Là. Họ Dương ở Mèo Vạc xây dinh dưới chân núi Đen xã Sản Pả… Dinh thự họ Vương ở Sà Phìn chưa phải là to đẹp nhất. Nổi tiếng nhất trong chuỗi dinh thự phải kể đến lâu đài của thủ lĩnh Dương Tụ Nghĩa ở Sủng Chà, Mèo Vạc do hiệp thợ từ châu Vân Sơn, Vân Nam xây.

Quanh lâu đài có hồ nước treo trồng sen, thả cá (vậy mà tới 70-80 năm sau các nhà khoa học Việt Nam mới làm nổi hồ nước treo phục vụ cho đồng bào Mông ở 4 huyện núi đá Hà Giang). Lâu đài họ Dương sau Cách mạng đã bị đập phá san phẳng. Nhưng nền lâu đài vẫn còn và một số hậu duệ của Dương Tụ Nghĩa vẫn sống quanh khu vực đó.

Dinh thự họ Vương được xây dựng theo tiêu chí và yêu cầu của Vương Chính Đức. Trước hết phải đảm bảo được chức năng phòng thủ. Vì vậy tường thành bao quanh được xây bằng các phiến đá to, gắn xi măng chặt, khít, cao, chống được đạn bắn vào. Tường dày từ 60-80 cm, cao từ 2,5-3m. Hai chòi gác bằng đá xanh ngự trên hai góc tường thành sau của hậu dinh có lỗ châu mai, tầm quan sát rộng dễ phát hiện kẻ đột nhập từ 2 bên và phía sau. Khu dinh thự trình tường dày truyền thống của người Mèo cũng là một biện pháp phòng thủ, đạn súng trường bắn không xuyên qua được.

Toàn bộ khu dinh thự gồm 3 cấp nhà khép kín dài 46m, rộng 22m, ngoài cổng dinh có lính túc trực 24/24 giờ canh gác nghiêm ngặt. Tiêu chí thứ 2 là phải tiện ích. Các cấp nhà, các phòng phải phù hợp với đối tượng sử dụng, sinh hoạt. Có kho lương thực dự trữ, hầm chứa thuốc phiện, hầm chứa súng ống, đạn dược, bể lớn có dung lượng 300 mét khối hứng nước mưa đủ dùng quanh năm…

Các phòng trong cấp nhà đầu tiên dành để tiếp các dòng họ, quân dân các địa phương đến tụ họp, ăn uống, nghỉ ngơi. Cấp nhà thứ 2 cao dần lên là nơi ở của các bà vợ, con cái, người hầu hạ gia đình vua Mèo. Tầng trên tiếp quan tây, quan ta (sau này là nơi làm việc của UBND xã Sà Phìn). Cấp nhà thứ 3 đã dần cao lên đến 10m so với mặt bằng trước cổng dinh, là nơi ở và để Vương Chính Đức ngồi xử tội phạm, bàn chuyện cơ mật trong bộ tham mưu.

Tiêu chí thứ 3 là tính mỹ thuật. Sự pha trộn đó được thể hiện trong vật liệu (đất, đá, gỗ, sắt thép, ngói lợp); trong trạm khắc đá, gỗ trên viên tảng kê cột nhà, phù điêu đá gắn tường, các đầu đao, cánh cửa, chấn song, lan can, tủ, bàn, vách gỗ ngăn các phòng… đều được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ hình long ly quy phượng, hoa lá thể hiện sự phồn thịnh, quyền quý của bậc đế vương.

Tiêu chí thứ 4 là bền vững, lâu dài. Đá xanh vĩnh cửu, gỗ Samu (tức thông núi đá) có độ cứng, nhiều nhựa không bị nứt nẻ, mối mọt. Ngói máng âm dương nung cứng như sành lên nước ghi xanh có thể chống được mưa đá to bằng ngón chân cái (thường xảy ra ở vùng cao núi đá) đều được mua, vận chuyển từ Vân Nam sang.

Thực tế việc mua và chuyển, chế tác vật liệu là khâu tốn kém nhất. Hơn 300 thợ hồi giáo và hàng trăm thợ Mông khéo tay được tuyển dụng đã ròng rã nhiều năm mới hoàn thành được công việc này. Cuối cùng là hơn 100 cây Samu đang trưởng thành được bứng từ Trung Quốc chuyển về trồng ngoài tường thành, tạo nên một cảnh quan xanh mát, đẹp mắt – nay đã có tuổi trăm năm, thân cỡ hơn một người ôm, cao vút chọc lên trời xanh…

Những gì đang hiện hữu của dinh thự, nhiều ngưòi đã biết, đã được mô tả chi tiết trong hàng trăm bài viết tôi không có ý muốn nhắc lại.

Tôi chỉ đề cập đến những điều bạn đọc chưa biết, và chỉnh lại một vài điều chưa đúng. Theo cụ Vương Quỳnh Sơn, toàn bộ dinh thự xây tốn hết non 15.000 đồng bạc trắng (nhiều bài viết lại nói 15.000 đồng bạc Đông Dương-tiền Đông Dương). Riêng bể chứa nước mưa tốn 800 đồng, tường đá vây quanh dinh thự tốn gần 1.000 đồng, 2 lô cốt phía sau mất 700 đồng…

Nhờ nguồn thu từ thuốc phiện không còn bị ép giá, ăn chia tỷ lệ công bằng mà họ Vương được hưởng lợi lớn đến nỗi phải xây hầm chứa thuốc phiện dự trữ. Ngoài ra, để ủng hộ vua Mèo xây dinh thự, một số thuộc hạ và dân Mèo tự nguyện cung tiến thêm nguồn lực cho họ Vương. Từ cơ sở dãy nhà 2 tầng có sẵn ở giữa, cụ Vương cho phát triển ra phía trước và phía sau tạo thành 3 cấp nhà khép kín. Xây thành bằng đá bao quanh và các phòng chức năng khác nhau trong dinh thự. Dinh thự được xây và hoàn thiện trong 4 năm, từ 1923-1926. Giai đoạn này cũng là thời kỳ Vương Chính Đức phất lên giàu có nhất. Thuốc phiện giúp xây dinh, giúp có nguồn lực nuôi lính, mua sắm vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho mưu kế lâu dài trong cuộc chiến đấu với quân Pháp, Tưởng, Nhật sau này.

Điều xin nói thêm ở đây là, có tài liệu, có người kể rằng việc xây dinh thự bố con vua Mèo bắt phu Mèo phục dịch, bóc lột sức lao động và đối xử tàn tệ là không đúng. Để cho khách quan, người viết không dẫn lời cụ Sơn, mà lời kể của ông Vừ Mí Kẻ-là người làm công cho gia đình họ Vương từ năm 15 tuổi. Sau này ông Kẻ giữ chức Chủ tịch Đồng Văn, khi ông nghỉ hưu là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông Kẻ đã chứng kiến cách cư xử nhân tình của họ Vương với mọi người, cơm nước tử tế, công sá sòng phẳng, tính cách ôn hoà gần gũi với người làm công, người phục vụ cho gia đình ông được mọi người nể phục, kính trọng…

Lối kiến trúc, hay những gì còn lại của nhà Vương một thời giờ tất cả đều là “báu vật”. Núi đá biên cương, vẫn trở nên kỳ diệu và huyền tích thu hút dòng người đến điểm du lịch để xem, nghe câu chuyện nơi này.

Hành trình trở về miền đá núi cực Bắc Tổ quốc, hẳn trong chuyến xe ai cũng mong qua dinh thự “Vua Mèo” ở Sà Phìn, Đồng Văn để ngắm dinh thự, để nghe câu chuyện giữ biên ải của “ông Vua Mèo”- Vương Chính Đức.Những kho đạn dược, vũ khí hay nơi cất vàng, để thuốc phiện…hé mở về một sức mạnh của ông “Vua Mèo” thuở ấy. Nhưng đặc biệt hơn, dinh thự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng trên một quả đồi hình mai rùa, dưới tán những cây sa mộc cao vút.

Nhìn bề ngoài ít ai biết bên trong dinh thự đặc biệt này còn rất nhiều câu chuyện cho đến nay vẫn ít được biết đến như kho vũ khí mới được khai mở phục vụ du lịch cách đây một thời gian ngắn.

Bài viết Zai Tri đăng lại từ FB anh Lê Việt Khánh

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín