Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
HomeĐịa danh nổi tiếngSa Đéc,Cao Lãnh, Kiến Phong và Đồng Tháp

Sa Đéc,Cao Lãnh, Kiến Phong và Đồng Tháp

img 4399
Sa Đéc,Cao Lãnh, Kiến Phong và Đồng Tháp 2

Nhiều khi cũng trầm trồ,nhiều người nổi tiếng có danh xưng là “dân Đồng Tháp” , thí dụ diễn viên Puka.Nhưng chính xác phải nói Puka là dân Lai Vung,tức dân Sa Đéc, cũng như bà Năm Sa Đéc, ông Diệp Lang và bà ca sĩ Kim Anh

Cái tên tỉnh Đồng Tháp ngẫm không hề chính xác để chỉ địa danh cho một tỉnh Đồng Tháp ngày nay

Trước thời Pháp thì có tỉnh Sa Đéc và tỉnh Cao Lãnh riêng biệt .Sau 1954 Cao Lãnh thành tỉnh Kiến Phong

Sau 1975 nhập hai tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong (Cao Lãnh) làm tỉnh Đồng Tháp là không trúng vì Sa Đéc không có dính miếng đất của cái khúc đất có tên Đồng Tháp nào hết,mà cái đất của cái danh “Đồng Tháp” lại thuộc tỉnh Tiền Giang và Long An nữa

  1. Sa Đéc

Sa Đéc,cái tên rất dễ nhớ.Sa Đéc từ tiếng Miên là Phsar Dek có nghĩa là chợ sắt hoặc chợ bán sắt

Năm 1757, triều đình Chân Lạp đã chuyển giao chủ quyền xứ Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phước Khoát lấy đất Tầm Phong Long gồm Châu Đốc và Sa Đéc nhập về Việt Nam

Đàng Trong lúc đó có 21 dinh,Sa Đéc thuộc Long Hồ dinh.Tướng điều khiển Long Hồ Dinh là Nguyễn Cư Trinh,phó là Trương Phước Du

Điều khiển Nguyễn Cư Trinh lập ra Đông Khẩu đạo tức Sa Đéc ,trở thành một trong năm đạo bao quanh bảo vệ Long Hồ dinh lúc này đặt dinh tại đất Tầm Bào (Tp Vĩnh Long ngày nay)

Nhìn bản đồ thấy Sa Đéc nằm phía bắc cái doi đất có tỉnh Vĩnh Long,hai xứ này như anh em sanh đôi ,nước ngọt trái lành quanh năm

“Có danh đời cựu phủ Tân Thành
Sa Đéc vui nay cảnh thích tình
Đèn Vĩnh Phước ngời hình nguyệt chói
Cồn Tân Qui nổi dạng cù đoanh”
( Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca)

Có lúc Sa Đéc thuộc tỉnh An Giang,có lúc thuộc Vĩnh Long

Ta nhớ tới hai anh em ruột Lưu thủ Long Hồ dinh (Vĩnh Long) là Tống Phước Hiệp và Tổng binh Đông Khẩu đạo (Sa Đéc) là Tống Phước Hòa và sau thành phước thần hai vùng đất này

Thời Minh Mạng,trong Nam Kỳ lục tỉnh thì Sa Đéc thuộc tỉnh An Giang
Thời Pháp,Tỉnh Sa Đéc ra đời cùng lúc với 20 tỉnh đất Nam Kỳ từ ngày 1/1/1900 và đứng thứ 6

  1. Gia Định, 2.Châu Đốc, 3. Hà Tiên, 4. Rạch Giá, 5. Trà Vinh, 6. Sa Đéc, 7. Bến Tre, 8. Tân An, 9. Long Xuyên, 10. Sóc Trăng, 11. Thủ Dầu Một, 12. Tây Ninh, 13. Biên Hòa, 14. Mỹ Tho, 15. Bà Rịa, 16. Chợ Lớn, 17. Vĩnh Long, 18. Gò Công, 19. Cần Thơ, 20. Bạc Liêu và 21. Ô Cấp (Vũng Tàu)

Tỉnh lỵ Sa Đéc ban đầu đặt tại làng Vĩnh Phước sau này Pháp hợp nhứt sáu làng Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Phú Đông, Vĩnh Phước và Hòa Khánh lại thành một làng lấy tên là Tân Vĩnh Hòa. Từ đó, tỉnh lỵ Sa Đéc thuộc địa bàn làng Tân Vĩnh Hòa

“Đèn nào sáng bằng đèn Sa Đéc
Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân
Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần
Thương em đứt ruột, nhưng tới gần lại run”

2.Cao Lãnh và Kiến Phong

Dưới thời vua Gia Long (1802-1819), Cao Lãnh (Lúc đó chưa có tên là Cao Lãnh) là một phần đất thuộc phủ Tân Thành tỉnh Định Tường. Phủ Tân Thành gồm hai huyện: huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Phong

Năm 1914,quận Cao Lãnh được thành lập thuộc tỉnh Sa Đéc.Lúc này tỉnh Sa Đéc gồm có 3 quận :Quận Châu Thành, quận Cao Lãnh và quận Lai Vung

Năm 1956,thời đệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa TT Ngô Đình Diệm đã thành lập tỉnh Kiến Phong, tỉnh lỵ đặt tại Cao Lãnh, từ đó Cao Lãnh tách rời khỏi tỉnh Sa Đéc

“Em ơi giã gạo làm chi?
Em quăng chày đi cho rảnh,
Theo anh về Cao Lãnh bán buôn”

Cao Lãnh là gì?

Theo Gia Định thành thông chí,thời Gia Long tổng Kiến Phong có 21 thôn,trong đó vùng Cao Lãnh là đất ba thôn Mỹ Trà, Mỹ Nghĩa,Tân An thuộc tổng Phong Thạnh,trong đó Mỹ Trà là thôn trung tâm

Cao Lãnh là địa danh liên quan tới ông bà Câu Đương Đỗ Công Tường

Hai vợ chồng lưu dân Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, từ Miền Trung vào Nam đến đây lập nghiệp.Sau ông làm chức câu đương là chức dịch trong làng ,giữ việc bắt bớ,giải tống

Hai vợ chồng Đỗ Công Tường lập chợ vườn quít.Vì tên dân dã là Lãnh, làm chức câu đương, nên dân chúng gọi là Câu Lãnh và chợ gọi Vườn Quýt dần dà là chợ Câu Lãnh

Rồi từ Câu Lãnh thành Cao Lãnh.Ngày nay xế chợ Cao Lãnh có miếu thờ ông bà chủ chợ

Cao Lãnh trở thành địa danh chỉ vùng, khu vực các thôn nằm chung quanh làng Mỹ Trà

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Bước lên xe đầu đội khăn rằn
Nói năng đúng điệu, tảo tần bán buôn”

Ở nhị tì gần Miễu Trời Sanh,Hòa An,Cao Lãnh có cái mả ông Nguyễn Sanh Huy là cha ông HCM

3.Nói về chữ Đồng Tháp

Đồng Tháp Mười là một cánh đồng trũng đầy sình lầy,phèn chua minh mông cỏ lác quanh năm ngập nước của Nam Kỳ lục tỉnh có diện tích 697.000 hecta kéo dài từ Cao Lãnh qua Định Tường và tỉnh Tân An ,vị trí giáp với biên giới Cam Bốt

Trước năm 1865, khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở Nam Kỳ thì vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa có tên

Pháp ghi bản đồ xứ này là “Plaine inondée couverte d’herbe”(Cánh đồng cỏ ngập nước) ghi gọn lại là “Plaine des Joncs” (Đồng Cỏ Lát)

Châu bản triều Nguyễn ngày 1 tháng 3 năm Tự Đức thứ 18 ngày 27-3-1865 có đọan :

”…Lại việc nữa,quan Tây có đến Vĩnh Long nói: tháng chạp qua, đảng của Thiên Hộ Dương, tên quản Là đã đánh giết bốn người Tây, bắt sống một. Nói lên rằng đã giải đến Vãng Tháp (往 塔) nộp cho Thiên hộ Dương…”

Trong châu bản ngày 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ 19 ngày 18-7-1866 có đoạn:

” … Trước đây tên phạm đó ẩn náo ở Thập Tháp (十 塔 ), nơi tiếp cận với ranh giới tỉnh Vĩnh Long, chỉ có nơi đó mới được nghiêm ngặt phòng triệt…”

Nói chung từ 1865 mới có địa danh Vãng Tháp (往 塔) và Thập Tháp (十 塔)

Cái chữ 往 塔 Vãng Tháp tức cái tháp đã là quá khứ,tháp đã không còn tồn tại,tháp trong dĩ vãng,tháp phế tích

Như vậy vùng này xưa từng có cái tháp và đã nát ngừ không còn gì,tháp này chắc chắn kiểu Phù Nam hoặc Khmer trên cái gò cao

Còn chữ 十 塔 Thập Tháp tức là Mười Tháp hay Tháp Mười ,có nghĩa cái tháp thứ 10 hay cái tháp 10 tầng

Địa danh Đồng Tháp Mười hay Đồng Tháp như đã nói thuộc đất đai ba tỉnh lận.Trước 1975 toàn vùng Đồng Tháp Mười này thuộc ba tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh),Định Tường và Kiến Tường

Trong đồng cỏ lác có một khu vực gò cao không bị ngập vào mùa nước nổi nên Thiên Hộ Dương đã chọn làm địa điểm xây dựng căn cứ khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1864-1866. Đó là khu vực di tích Gò Tháp bây giờ

Không phải cái Gò Tháp là lớn nhứt trong vùng,gò Bắc Chiên là tỉnh lỵ Mộc Hóa của tỉnh Kiến Tường cũng rất lớn

Sắc lịnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của Tổng thống Ngô Đình Diệm lập tỉnh Kiến Tường cơ sở đổi tên tỉnh Mộc Hóa cũ.Tỉnh lỵ có tên là Mộc Hóa nằm trên cái gò lớn nhứt nhì giữa Đồng Tháp Mười là gò Bắc Chiên

Miền Tây có câu truyền miệng:“Nhứt Kiến nhì Chương.”(Là Kiến Hòa (Bến Tre), Kiến Phong, Kiến Tường và Chương Thiện)

Kết luận:

Sau 1975 nhập hai tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong (Cao Lãnh) làm tỉnh Đồng Tháp là không trúng vì Sa Đéc không có dính miếng Đồng Tháp nào hết,mà cái đất của cái danh “Đồng Tháp” lại thuộc tỉnh Tiền Giang và Long An nữa

Nhạc sĩ Thu Hồ có bài “Khúc ca Đồng Tháp” rất hay viết năm 1955 ở đâu đó trong vùng Đồng Tháp Mười.Bài hát này nhắc Đồng Tháp là chung,không chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp vì lúc đó chưa có tỉnh nào là Đồng Tháp

“Tháp Mười ơi đây Miền Nam!
Say tự do vui bình an
Hò ơ hò hò ơi!
Ai vô Đồng Tháp mà nghe
Có chiều chiều về em bé
Em bé hát vè vè mà chơi
Đồng xanh xanh ngát chân trời
Ơ ơ ời ời ơ ờ ờ ơi!”

Cho nên nghe xưng “tui là người Đồng Tháp” thì thấy có gì đó ngộ ngộ.Người Đồng Tháp là người có thể sống ở mé Cao Lãnh,có thể sống ở khúc Tiền Giang,có thể là người Mộc Hóa,Kiến Tường

Nhiều người sẽ nói Đồng Tháp khác Đồng Tháp Mười .Thiệt ra Đồng Tháp và Đồng Tháp Mười có khác gì nhau.

Tác giả: Nguyễn Gia Việt

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín