Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
HomeĐịa điểm du lịchY Tý ngược miền cổ tích Dốc A Lù Sương Mù Y...

Y Tý ngược miền cổ tích Dốc A Lù Sương Mù Y Tý

NGƯỢC MIỀN CỔ TÍCH

Sau ngày tuyết tan cả Y Tý vẫn chìm trong sương mù và cái lạnh giá như châm vào da thịt… Những người phụ nữ Hà Nhì như bất thần hiện ra trong sương, trên lưng chất nặng những gùi củi. Họ lầm lũi theo từng hàng dài, chầm chậm đi bên lề đường rồi lại chìm nghỉm trong làn hơi trắng sữa, mù đặc.

Y Tý
Y Tý sương mù là đặc sản nơi đây.

Nhọc nhằn vượt qua chặng đường 80 cây số, từ Thành Phố Lào Cai tôi có mặt tại trung tâm xã Y Tý khi sương mù phủ trắng. Tuyến đường vòng cung này được ví như “Con đường hạnh phúc”, bởi đi theo nó người ta thường qua Bản Xẻo, Mường Hum, rừng già Dền Sáng,… Sau đó vòng theo con đường vành đai biên giới, xuôi cùng “ con sông Hồng chảy vào Đất Việt” qua các xã biên giới Ngải Thầu, A Lù, A Mú Sung để trở về Bát Xát…

“ DỐC A LÙ, SƯƠNG MÙ Y TÝ”

Lên Y Tý là một hành trình đầy gian khổ, nhưng nghiệt ngã nhất là vào mùa mưa khi phải vượt  qua những ngầm nước sâu khá nguy hiểm mà chỉ lơ là một chút là không ai có thể nói trước hậu quả sẽ  đến đâu… Có những năm, lũ từ thượng nguồn đổ về bất ngờ cuốn chiếc ô tô chở khách đang vượt ngầm.

Để chạm chân vào đất Y Tý, chúng tôi phải mất nửa ngày  chinh phục những cung đường chênh vênh bên mép núi. Nếu những ngầm nước là chốn hung hiểm bất thần, thì những con dốc cua tay áo, trúc trắc lại là bản “trường ca hành xác” liên miên. Nền đường chỗ rải đá cấp phối “vá víu” thì sốc nảy người, cảm giác như chiếc xe máy có bao nhiêu ốc vít thì lên đến nơi cũng rơi ra hết. Chưa kể đến những đoạn đường đất trơn trượt, nhầy nhụa, chiếc lốp xe “ từ chối” bám đường khiến tay lái cứng nhất cũng phải loạng choạng, nín thở chạy qua. Thế nên trên rất nhiều xe máy – chủ yếu là xe WIN – “ độ” thêm chiếc xích quấn quanh lốp xe. Những đoạn nào quá trơn và quá nguy hiểm, người dân phải dùng vỏ trấu rắc lên để tăng độ ma sát cho xe bám đường.

Cứ lắc như thế, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi bắt đầu đến đoạn lên cao hơn, vòng vèo và cũng nhiều rừng hơn. Rừng già Dền Sáng đây rồi! Khu rừng còn nguyên sinh, dưới những tán cây to và cao là những vạt thảo xanh mướt. Vào sâu hơn, sương mù dày đặt, những thân cổ thụ to lớn ẩn hiện trong bảng lảng khói sương…

Trước đây, đường lên Y Tý chỉ là con đường mòn, chưa có đường và tuyến xe, chỉ còn cách đi bộ. Thế nên, từ Mường Hum lên Y Tý chừng 40 cây số mà phải đi từ sáng thì tối mới đến nơi. Rừng già toàn dốc, trơn trượt, có lúc phải đi bằng “ bốn chân”, nên ngày đó hàng hoá thồ bằng ngựa tính phước theo kg, bất kể là hàng gì  1.000 đồng/ kg (giá thời điểm năm 2000). Nhiều khi đến Dền Sáng đã tối mò, phải nghỉ đêm lại đến hôm sau mới đi tiếp, nên người huyện Bát Xát ở đây có câu vè vui rằng:

“Bao giờ Y Tý có kem

Có đường xe chạy thì em lấy chồng…”

Từ khi tuyến đường này thông suốt, mỗi ngày lại có những chuyến xe khách từ Lào Cai lên đây, cũng là một điều kì diệu với người dân vùng cao Y Tý…

GIAI THOẠI MIỀN RỪNG

Đi trong rừng nguyên sinh chúng tôi như lạc vào một không gian khác hẳn, tĩnh lặng, hoang sơ và bí ẩn. Những cây cổ thụ vút lên từ khe sâu, cheo leo trên những vách đá, thân xù xì ẩm mốc. Chỉ nghe thấy ,tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng lá rừng xạc xào… Cái yên ả ở Y Tý cùng với hơi lạnh se se thật dễ chịu, như một thứ thần dược kì diệu, rửa đi bao mệt mỏi khiến cho những ai đến chốn này đều ngỡ như mình được ngược lên miền cổ tích.

Người bạn  đồng hành thông thuộc miền rừng kể lại câu chuyện về “nấm mồ lá” của hai cô gái bản. Người ta truyền lại cho nhau một câu chuyện rằng, trước có hai người con gái đi qua đoạn đường giữa khu rừng này. Vượt qua một chặng đường dài khổ  ải vất vả, họ không thể đi tiếp được, quỵ ngã trước “ lam sơn chướng khí”. Dân trong vùng đi rừng phát hiện, chôn ngay bên vệ đường nơi họ gục xuống. Thế rồi ai ai qua đây cũng đều bẻ cành ngắt lá đắp lên ngôi mộ ấy như an ủi hai người con gái bạc mệnh rồi mới đi qua… Ngôi mộ của hai cô gái ấy cứ được đắp dày thêm, lâu rồi người ta cũng chẳng biết nấm mồ thực chừng nào, cứ đặt lên mãi, lá mới chồng lên lá cũ…

Câu chuyện về “ nấm mồ lá” kết thúc cũng là lúc chúng tôi ra khỏi khu rừng già và chạm vào đất Y Tý – một con đường phẳng lì dẫn đến tận trung tâm xã. Anh Tráng A Lù – Phó Chủ Tịch Uỷ ban nhân dân xã đãi khách bữa cơm trưa giản dị ngay tại chiếc quán nhỏ ở gần trụ sở uỷ ban, trước cổng vào đồn biên phòng Y Tý. Chủ nhân của cái quán này là vợ một người lính biên phòng –cũng được coi là một “kỳ tích” nho nhỏ miền rừng. Trước đây, ngoài người dân bản địa, lên đây nên “cấm chốt” ở vùng “phên dậu” này chủ yếu là đàn ông – chủ yếu là bộ đội biên phòng, cán bộ y tế xã và mấy công chức thuộc uỷ ban nhân dân. Cái miền sương gió thiếu thốn mọi bề, quanh năm người ẩm ướt vì sương lạnh, phụ nữ lên Y Tý quả phải là dũng cảm, can trường lắm lắm. Người vợ lính theo chồng lên miền biên ải heo hút này được người ta vừa cảm phục vừa thương. Thế mới có chuyện, giám đốc Sở Giáo dục Lào Cai lúc ấy đã “đặc cách” để chị chuyển sang ngành giáo dục làm cô giáo cắm bản.

CHÊNH VÊNH “MIỀN CỔ TÍCH”

Điều kì diệu đã làm nên một miền cổ tích Y Tý với mỗi con đường, mỗi bản làng và nụ cười thân thiện của những người dân nơi đây. Cao nguyên Phìn Hồ trên độ cao hơn 2000 mét là một khu rừng nguyên sinh, mùa này đang nở rực hoa đỗ quyên đỏ hồng, hoa sơn trà trắng muốt cả một vạt rừng. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng Y Tý, bên những mép núi, trong sương mờ, thấp thoáng những ngôi nhà tường trình đất vuông vức – mang lối kiến trúc độc đáo của người Hà Nhì. Những bờ rào đã rêu mốc như tô vẽ thêm vẻ trầm mặc của vùng cao luôn chìm trong giá rét, sương mù này…

Ấn tượng với tôi nhất là những chồng củi đun được xếp ngăn nắp bên những ngôi nhà tường trình đất ấy cao chất ngất, tới tận mái nhà. Đất này luôn chìm trong sương mù, ẩm ướt, giá lạnh, củi không chỉ đun nấu mà còn để sưởi ấm quanh năm ngày tháng để giữ ấm nhà. Đó là “công trình” của những người phụ nữ cứ cần mẫn đi bộ từng hàng dài, trên lưng nặng trĩu những gùi củi… Đó cũng là một phần trong thước đo phẩm hạnh của con gái Hà Nhì, để cho các chàng trai tìm hiểu và kén chọn. Người ta bảo muốn biết thiếu nữ Hà Nhì cần cù chịu khó hay không, cứ nhìn vào những khối củi đun xếp quanh nhà của họ.

Vào sâu hơn trong các bản làng, thỉnh thoảng, một gương mặt trẻ con ló ra từ những ô cửa sổ “ tò vò” của ngôi nhà trình tường đất hình kim tự tháp với vẻ đầy tinh nghịch. Nếu có dịp, khách lạ nên lên Y Tý vào dịp người Hà Nhì tổ chức Lễ hội Gà Ma O ( Tết thiếu nhi) thường tổ chức sau lễ cúng rừng vào ngày Thìn tháng Giêng tại nhà trưởng dòng họ hoặc nhà già làng hay thầy cúng… Đây là một phong tục duy nhất chỉ có ở dân tộc Hà Nhì, thường tổ chức vào mỗi mùa xuân, sau Tết Nguyên đán. Mâm cỗ cúng dịp này thường có các món đặc trưng như gà luộc, xôi nếp, rượu trắng, lạc rang, đỗ tương, trứng, dòi lợn và một số loại rau củ. Các nghi lễ được thực hiện với mong muốn xua đuổi bệnh tật, cầu chúc cho con trẻ trong thôn bản khoẻ mạnh, khôn lanh. Sau đó, người ta bày biện ra ăn, cùng trao đổi chuyện nuôi dạy con cái và dặn dò bọn trẻ các cách làm thức ăn, học hành…

Những câu chuyện ở Y Tý còn dài lắm, những nghỉ lễ Tết “ Khu già già” (ăn thề bảo vệ rừng), lại đến tục “ chùm chăn hỏi vợ” và bao nhiêu điều kì bí về mảnh đất con người.. chênh vênh bên đỉnh núi Nhìu Cồ San. Chia tay Y Tý, dọc đường về, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì ngồi trên tảng đá ven đường cậm cụi thêu từng mảnh vải, lặng lẽ và bình yên.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín