Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024
HomeĐịa danh nổi tiếngMột bài học lịch sử Miền Nam tri ơn Thần và Người...

Một bài học lịch sử Miền Nam tri ơn Thần và Người vì mảnh đất này

img 3050
Hình: Tượng Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá

Các bạn ai có ghé xứ Rạch Giá,bạn sẽ thấy giữa trung tâm Vĩnh Thanh Vân có bức tượng một người đàn ông tay nắm chuôi thanh gươm trong tư thế thúc quân .Đó là ông Quản Lịch Nguyễn Trung Trực

Tại Vàm Nhựt Tảo ở Long An cũng có một bức tượng rất lớn của ông

Nếu về xứ biển Hà Tiên bạn sẽ thấy bức tượng uy nghi lẫm liệt của Tổng Trấn Mạc Cửu là người đã khai sanh và tạo cho Hà Tiên về đất Việt

Từ Sài Gòn về Mỹ Tho,ngay vàm rạch Mỹ Tho cũng là khu trung tâm xứ Mỹ ,bạn sẽ thấy bưc tượng của Thủ Khoa Huân khoanh tay nhìn con cháu ngày ngày

Đi Châu Đốc,có chạy ngang Cái Dầu ,Châu Phú ,bạn sẽ thấy tượng Quản Cơ Trần Văn Thành hiên ngang đứng giữa đất trời An Giang

Người Long An và Rạch Giá,người Hà Tiên,người Định Tường,người An Giang luôn tự hào về Quản Lịch Nguyễn Trung Trực,Tổng Trấn Mạc Cửu và Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân và Đức Quản Cơ Trần Văn Thành

Người Lục Tỉnh lúc nào cũng tri ơn các vị tiền bối

-Nguyễn Trung Trực (1839 -1868)

Nguyễn Trung Trực không phải là người Rạch Giá.Ông sanh ra tại Cửu An (Tân An) vào năm Minh Mạng thứ 19 trong một gia đình sống bằng chài lưới,tên khai sanh là Nguyễn Văn Chơn ,sau này là Nguyễn Văn Lịch (Quản Chơn hay Quản Lịch)

Tháng 2/ 1859, liên minh Pháp và Tây Ban Nha tấn công chiếm thành Gia Định

Gia Định Quân thứ Nguyễn Tri Phương vô Gia Định đắp một hệ thống lũy thành kêu đại đồn Chí Hòa chống cự (Pháp viết sai chánh tả thành Kỳ Hòa)

Ngày 24/ 2/ 1861 Đề đốc Charner đem 5.000 quân và chiến thuyền các loại, tấn công đại đồn Chí Hòa

Trận đại đồn Chí Hoà này có ông Nguyễn Trung Trực tham gia ,Trương Công Định ôm quân đồn điền Gò Công cũng tham gia

Nhưng Pháp có hỏa lực quá mạnh ,tướng Nguyễn Tri Phương có 30.000 quân nhưng đánh không lợi,phải rút,đại đồn thất thủ,Gia Định bị chiếm

“Thương thay đất Gia Định,
Tiếc thay đất Gia Định
Vực thẳm nên cồn
Đất bằng nổi sóng”
(Gia Định thất thủ vịnh)

Không biết ngày nào trong năm 1861 Nguyễn Trung Trực được phong chức “Quyền sung quản binh đạo” nên được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch

Ngày 10/12/1861 Nguyễn Trung Trực đốt cháy chiến hạm Espérance của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ở tỉnh Tân An (Long An)

Tiểu hạm Espérance là một hiến hạm bằng cây được bọc đồng chạy bằng hơi nước hay nằm án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo,tỉnh Tân An đặng kiểm soát đường thủy từ Sài Gòn về Miền Tây

Vậy mà Quản Lịch và nghĩa quân của ông đã đốt cháy chiến hạm ,diệt 17 lính Pháp và 20 người Việt trên tàu

Sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất vì hòa ước Nhâm Tuất 1862 Quản Lịch rút về ba tỉnh Miền Tây
.
Đầu năm 1867, ông ra Huế nhậm chức Lãnh binh, đến giữa năm 1867, về Hà Tiên giữ chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất này

Lãnh binh là chức trên của chức Cai Cơ,Quản Cơ

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ ngày 23 / 6 / 1867,ông đưa quân về lập căn cứ ở Hòn Chông

Ngày 16/6/1868 Quản Lịch bất thình lình đem quân tấn công đồn Rạch Giá ,chiếm tỉnh lỵ này trong tay Pháp năm ngày

Ngày 18 / 5 /1868), trung tá hải quân A. Lee1onard Ansart, Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương mang binh từ Vĩnh Long sang Rạch Giá

Ngày 21 / 6/ 1868, Pháp đồng loạt tấn công, Quản Lịch chống không nổi phải lui binh về Hòn Chông rồi chạy ra đảo Phú Quốc đóng quân tại Cửa Cạn

Tháng 9/ 1868, tàu chiến Groeland chở đại Việt gian Lãnh Binh Hùynh Công Tấn cùng 150 lính Gò Công đến đảo Phú Quốc truy đuổi Quản Lịch

Đường cùng Nguyễn Trung Trực tự ra nộp mình cho người Pháp và bị đưa về giam ở khám Lớn Sài Gòn

Pháp phủ dụ Quản Định không được nên ngày 27 /10 /1868 đưa ông về lại Rạch Giá hành hình bằng chém đầu tại trước nhà lồng chợ Rạch Giá (nay là công viên có tượng ông) ,năm đó ông mới 30 tuổi,trẻ măng

Trong mắt dân Lục Tỉnh thì Quản Lịch là một vị anh hùng vị quốc vong thân lâm vào bước đường mạt lộ nhưng khí phách lẫm lẫm

“Giỏi thay người chài
Mạnh thay quốc sĩ
Đốt thuyền Nhựt Tảo
Phá luỹ Kiên Giang
Thù nước chưa xong
Thân sao đã mất
Hiệu khí xưa nay
Người nam tử ấy
Máu đỏ cát vàng
Hỡi ôi thôi vậy!
Ngàn năm hương khói
Trung nghĩa còn đây”

Sống làm Tướng chết làm Thần

Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Đẳng Đại Thần (Quan Thượng Đẳng Đại Thần)

Khi lập quân đội, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đặt tên đơn vị này là Bộ đội Nguyễn Trung Trực

Trong nhà tín đồ PG Hòa Hảo có thờ Quản Lịch

Nguyễn Trung Trực thành Phước Thần của dân Rạch Giá

  • Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1830-1875)

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1830-1875) ,một anh hùng vị quốc vong thân thời Pháp người Định Tường ,đã tham gia khởi nghĩa ba lần

Lần đầu chung với Trương Công Đinh,Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) ,năm 1862 bị giặc Pháp bắt đày 10 năm khổ sai biệt xứ tận Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.Sau 7 năm ân xá về Nam Kỳ

Về Nam Kỳ ,năm 1874 ông khởi nghĩa lần thứ 3,lần này đại bản doanh đặt ngay quê nhà Bình Cách ,địa bàn kéo dài từ Tân An tới Mỹ Tho,Cai Lậy

Hồ Biểu Chánh tả trong một cuốn sách của ông :

“Binh ta chỉ có vài cây súng còn bao nhiêu thì cầm mác thông hoặc rựa ngoéo, hoặc chỉa nhọn, hoặc tầm vông, nhưng được lịnh phân nhau phục kích, đợi giặc vào vòng vây thì xông ra đâm chém quyết lấy khí hùng mà đương đầu với súng đạn”

Sau đó Trần Bá Lộc dẫn quân đàn áp bắt Thủ Khoa Huân

Ngày 15 tháng 4 (âm lịch) năm Ất Hợi, tức ngày 19 tháng 5 năm 1875, Pháp cho ghe chở Thủ Khoa Huân từ khám Mỹ Tho theo kinh Bảo Định về quê nhà, tới ngã tư Giáp Nước (xã Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo ) Pháp đã xử trảm ông

Ông bị mang gông ngồi trên mui ghe ngoái nhìn hai bên bờ kinh,dân chúng ở đây lau nước mắt đặt bàn hương án tiễn đưa ông

Trước khi xử chém,Pháp cho bưng tới một mâm cơm đầy rượu thịt cho ông ăn. Ông lạnh lùng đá đổ mâm cơm

Kẻ được giao chém đầu ông vốn là dân bổn xứ.Lịnh chém ban ra, nhưng đao phủ sợ hãi, chần chờ, không dám ra tay.Ông nhìn nó và nói:

“Nhà ngươi có bổn phận, cứ việc thi hành, đừng để liên lụy đến mình!”

Nghe vậy, đao phủ mới dám vung đao. Vừa chém xong, hắn liền quỳ sụp xuống, lạy ông bốn lạy

Sau khi hành quyết ông, Pháp cho gia đình ông nhận phần thân về, còn đầu thì bêu tại chỗ, sau ba ngày mới được đem về an táng

Nhưng tới xế giờ chiều, một người con gái của ông mặc áo dài đến chỗ hành quyết để thăm chừng đầu cha. Một tên Pháp đã lấy đầu ông trả cho cô. Cô con gái dùng hai tay nâng vạt áo dài, hứng đầu cha mình và đưa về nhà

“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây hương nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ”

-Mạc Cửu (1655-1735)

Tổng Trấn Mạc Cửu hay Mạc Kính Cửu (1655-1735) là người khai sanh ra Hà Tiên

Năm 1671 một thương gia trẻ măng (16 tuổi) tên Mạc Cửu người Quảng Đông dẫn một đoàn tàu thuyền đi qua Phillipines và Java tìm đất sanh kế

Rốt cuộc ông chọn miếng đất kéo dài từ vịnh Compong Som (Sihanoukville) đến Rạch Giá lúc đó thuộc Chân Lạp để quy tụ di dân Tàu-Việt khai phá,lập chợ,lập cảng và thương điếm ,sòng bài

Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral).

Đô thành của Mạc Cửu đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo)

Mán Khảm tức Phương Thành (Thành thơm) hay Hà Tiên (Sông Tiên)

Mạc Cửu nhận một chức quan và tước quý tộc Ốc Nha của vua Chân Lập Nặc Ông Thu ban cho

Tuy nhiên ,vương quốc Hà Tiên ngày càng giàu có,phồn thạnh,đủ thứ người qua lại Hà Tiên-trong đó có hải tặc Thái Lan.Chân lập,Java và Mã Lai

Mạc Cửu nhìn ra sự thèm thuồng của người Thái và Mã Lai với Hà Tiên mà Chân Lạp thì không có khả năng,cùng với sự bất đồng do Tàu và Chân Lạp không đồng văn đồng chủng

Năm 1708 Mạc Cửu phái hai sứ giả Trương Cầu, Lý Xá đến Phú Xuân (Huế) xin được thần phục Đàng Trong,xin dâng hết đất ,ông được chúa bổ nhiệm cai quản Hà Tiên, và sau đó được chúa Nguyễn Phước Chu phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tước là Cửu Ngọc Hầu

Vậy là họ Mạc cả đời trung thành với chúa Nguyễn

“Rồng chầu biển Bắc, phụng múa Hà Tiên
Thương làm sao gặp mặt thương liền
Giả như Lã Bố, Điêu Thuyền thuở xưa”

Cửu Ngọc Hầu Mạc Cửu cai trị Hà Tiên đến năm Bính Thìn 1735 thì qua đời thọ 81 tuổi, chúa Nguyễn phong tặng cho ông tước hiệu “Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị công”

Gia đình họ Mạc được chúa Nguyễn nâng lên hàng vương tôn

Chúa Nguyễn Phước Chu tách họ Mạc Hà Tiên ra chữ Mạc 莫 thông thường

Chúa cho thêm bộ “ấp”阝 vào chữ 莫 Mạc thành chữ Mạc 鄚 Hà Tiên cao quý .Chúa nói chữ Mạc 莫 này là của họ phản loạn Mạc Đăng Dung

Chúa còn ban cho họ Mạc Hà Tiên bài thơ để đặt tên cho con,bài “thất diệp phiên hàn”là toàn chữ lót đặt cho con Mạc Cửu

Đó là bảy chữ: Thiên (天), tử (子), công (公), hầu (侯), bá (伯), tử (子), nam (男).Thành ra con Mạc Cửu được đặt tên là Mạc Thiên Tích 鄚天錫

Sau khi Tổng Trấn Mạc Cửu qua đời, con ông là Tổng Trấn Mạc Thiên Tích đã coi trọng phát triển kinh tế và tích cực mở rộng giao thương với Trung Quốc, Malaysia và Indonesia, biến Hà Tiên thành một hải cảng thạnh vượng ở Đông Nam Á

-Quản cơ Trần Văn Thành (1818-1873) thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Láng Linh Bảy Thưa những năm 1867-1873

Quản cơ Trần Văn Thành còn là một chức sắc Bửu Sơn Kỳ Hương nên còn có tên là Đức Cố Quản

Xưa mỗi tỉnh thành có một Quản Cơ coi quân sự,thí dụ Chánh quản cơ -Đức Cố Quản Trần Văn Thành của tỉnh An Giang

Quản cơ (管奇) là một chức võ quan thời Nguyễn mang hàm chánh tứ phẩm

Năm 1867, Pháp chiếm An Giang,sau đó Chánh Quản cơ Trần Văn Thành phải rút quân bỏ thành An Giang

Đức Cố Quản kéo quân hiệp cùng nhóm tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương rút vào rừng Bảy Thưa Láng lập căn cứ kháng chiến

“Thà thua xuống láng, xuống bưng,
Kéo ra hàng giặc, lỗi chưng quân thần”

Lánh Linh ,Bảy Thưa là một cánh đồng trũng phèn bao la,không có kinh, rạch lớn.Phía bắc giáp vùng núi Sam,tây Thất Sơn, đông đụng sông Hậu ,nam giáp núi Ba Thê và Long Xuyên

Láng Linh là cánh đồng thấ ngập linh láng và có nhiều cá linh

Năm 1868, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá bị dẹp tan nên Quản Cơ Trần Văn Thành bị Pháp truy nã gắt gao
Cuộc cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa kéo dài từ 1867 -1873

Pháp đánh phá căn cứ nhiều lần, mất nhiều khí tài và binh sĩ, nên sai Tôn Thọ Tường mang thư chiêu dụ ông, nhưng không thành công

Năm 1873 khi cuộc khởi nghĩa thất bại,ông mất và có thể mất tích năm 1873

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai”

Những lời ghi nhớ:

Dân Nam Kỳ chúng ta có tổ tiên là người nào ?Dân Nam Kỳ chúng ta có tổ tiên chứ,ai không có tổ tiên ông bà

Ông bà mình gốc lưu dân,chữ lưu này là phiêu lưu ,xưa manh áo dính da gồng gánh dắt díu nhau đi tìm đất mới ,có người mới có ta,có ta thì còn đất

Mình gốc nông dân từ đầu,dân tứ xứ,dân nghèo,dân đi đày,dân bất mãn,dân bị biếm làm quan xa,thậm chí có đàn bà chửa hoang nữa

Rồi ổn định từ từ,có người có ruộng vườn nhiều mà thành điền chủ,thành ông hội đồng,người mới tới mướn ruộng làm tá điền tá thổ,người làm mướn làm thuê

Ông bà mình đã định hình ở đây,cái đất này,cày cuốc ra trái lành cây ngọt,sản sanh ra những Phan Thanh Giản,Bùi Hữu Nghĩa,Thủ Khoa Huân,Trương Vĩnh Ký

Nhà nghèo cỡ ông Trần Văn Hương vẫn làm ông giáo rồi thủ tướng như thường .Nhà nghèo cỡ Hồ Biểu Chánh vẫn làm đốc phủ sứ như thường

Trước tiên là ông bà cha mẹ trực hệ sanh ra ta,có máu mủ với ta rồi,những người đang ngồi trên bàn thờ giữa nhà đó

Theo nguyên tắc người Nam Kỳ chỉ thờ và làm đám giỗ trên bàn thờ có 4 đời thôi .Qua hết ông bà sơ .Có câu “Ngũ đại mai thần chủ”,tức đời thứ 5 là đốt bài vị không giỗ nữa

Nhà văn Bình-nguyên Lộc dạy rằng :

” …Một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nước mắt và nụ cười của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, vào người.Đất, có ở lâu, tình đất mới sâu”

Cái nét văn hóa Phương Nam là vậy,tiếp thâu cái mới và giữ cái cơ bản để làm người Nam Kỳ,cái hào sảng,cái trượng nghĩa,điệu nghệ của người Nam

Ông bà ta trực tiếp đổ máu tươi,bỏ mạng để khai phá,xây dựng bảo vệ mảnh đất Phương Nam này ,rồi để lại đất đai nhà cửa ruộng vườn cho con cháu thì ta mang ơn họ

Những danh nhân Đông Sơn Đỗ Thành Nhơn,Võ Tánh,Nguyễn Huỳnh Đức,Phan Thanh Giản ,Trương Vĩnh Ký,Nguyễn Hữu Huân,Nguyễn Trung Trực,Trần Văn Thành ,Trương Công Định ,Trần Thượng Xuyên,Mạc Cửu ,Huỳnh Phú Sổ,Hồ Văn Ngà là tổ tiên trực hệ của chúng ta

Chúng ta hiểu rằng đất Nam mới,nhưng không tự dưng trên trời rớt xuống cái ọt mà có,chẳng ai lót ổ sẳn mời ăn,mời đẻ

Phải giành,phải giựt,phải đấu tranh,khai phá và bảo vệ nó

Trong Trời Đất này minh mông lắm,để giành được một miếng đất như Nam Kỳ không phải dễ dàng gì.Cha ông chúng ta tốn nhiều máu xương,bao thây người chồng chất trên đất Nam này

Người Miền Nam anh hùng lắm,không có sợ chết nếu đã quyết dấn thân

Trong cuốn”Nói về Miền Nam” Sơn Nam kể”

“Ông hương hào Hầu bị can vào tôi chống Pháp (vụ phá khám Biên Hoà 1916) đã nói khẳng khái trước giờ hành quyết:“Ta sanh làm tướng, chết làm thần. Chào bà con ở lại mạnh giỏi.”
Hai Sở cùng bị xử một lượt, thách thức trước mũi súng của thực dân khi thọ án tử hình:“Cứ bắn ta đi, Sở này không sợ đâu! Cái chết, ta thị như qui tân gia” (coi như về nhà mới vậy thôi.)”

“Cương thường bởi biết mang nên nặng
Kẻ đứng làm trai chắc nợ đời”
(Thủ Khoa Huân)

Người Miền Nam nào cũng biết trọng thị gốc gác của mình

Hãy xem một bà già ở Paris nhớ lại cái nhà lá ba gian hai chái xế bên con rạch Sầm Giang của cha mẹ bà như vầy :

“Tâm hồn của tôi ngày nay tuy còn đục xà ngầu như lu nước sông chưa lóng phèn, nhưng sao lại khắc khoải vẫn nhớ cánh u tịch nơi nhà tía má tôi năm xưa ở Rạch Gầm

Nhà là lá, cột là cột tràm, nhưng nay tôi quý hơn góc lầu Paris tráng lệ nầy

Ba căn không lớn, căn giữa chừa làm nơi thờ phượng ông bà, giang san sự nghiệp chỉ có cái tủ thờ bằng gõ mật, để trơn bén không chạm trổ nhưng bóng láng như gương soi, và một bộ ván ba, nghe nói ông nội tôi đi làm rừng trên Tánh Linh, thả bè theo sông đem về một súc, cưa rả ra nhờ tay khéo của bạn, đóng được hai món nầy truyền lại tía tôi, nâng niu hơn châu ngọc

Chái bên đông bốn mùa mát mẻ, chiếu lác vạt tre thông thoáng là chỗ nghỉ lưng của gia đình; chái hướng Tây, chiều trời nóng hực thì lấy làm bếp nấu ăn”

Đất Lục Tỉnh là đất mới ,nhưng vẫn có đình làng miếu mạo trong làng.Cái đình đã thành địa danh trong làng xã.Những lần cúng đình cho hậu thế biết tiền hiền ,hậu hiền,những người khai khẩn,lập làng,lập xóm

Người chết an thân,nhưng những ray rứt trong lòng người sống mới là cái quan trọng.Người ta sống có lý trí là biết đặng trước sau,những gì người khuất dạy con cháu xin ghi nhớ

Có nhiều cái đình nguy nga,có nhiều cái đình đổ nát ,mưa dột tứ tung,tường xéo rêu phong,cột kèo xiêu vẹo,bàn thờ bụi bặm làm hậu thế chợt thấy tủi lòng quá đỗi

“Ầu ơ …
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Ví dầu mẹ chẳng có chi
Chỉ con với mẹ chẳng khi nào mòn”

Chúng ta thương xứ châu thổ ,nghe mùi gió,hửi mùi đồng mùi nước mà biết xứ nào mới là hay,đó là mùi đất,mùi nước,mùi rơm mùi rạ ,mùi dừa nước,cây mắm,cây đước ,mùi cứt trâu,mùi chiếc ghe đậu lâu ở bến nhà

Người Nam Kỳ mình có thói quen chôn ông bà sát nhà,trong vườn,ngoài ruộng nên đi đâu cũng gặp những lùm mả xanh um

Đó là quê hương của người Nam Kỳ đó ,đi đâu cũng ngoái về nơi chôn nhau cắt rún,dù có mang quốc tịch nước nào rồi thì cũng phải lết về những cái lùm mả đó một lần trong đời,đặng cảm nhận được cái tình quê ,cái huyết thống nó hun đúc ở trong lòng mình ,để vui ,để buồn,để khóc cho những khi mình cực khổ mưu sanh

Người ta nói con nít thì vui quá mau quên,còn người ta từ trung niên trở lên sẽ ngoái về xứ sở,quê hương nhiều hơn .Đó là cái quy luật vậy,sống lâu lên lão làng mà ,nếm hết đắng cay,ngọt bùi của đời thì bạn sẽ nghĩ sâu hơn mọi thứ

Trân trọng tinh thần lập quốc Nam Kỳ của những người xưa đi trước

Chúng ta hiểu rằng ông bà mình nuốt rau rừng,rau dại sống qua bữa đặng mà tay cuốc tay phảng tạo ra Nam Kỳ Lục Tỉnh vang danh thiên hạ

Nhân vật nào có công khai khẩn và góp phần vun bồi cho đất Nam Kỳ này mới là tổ tiên của ta

Những người hao tốn máu xương khai khẩn, bảo vệ, dựng lên Lục Tỉnh cho con cháu có đất cắm dùi, có miếng đất làm nhà để ở và để chôn mình tới ngày nay

Có hàng triệu người đã nằm xuống đặng giữ gìn và bảo vệ mảnh đất Miền Nam này

Văn minh Việt tộc có những câu nói về thói xấu của vài người ,thí dụ “Mồ cha không khóc đi khóc tổ mối”; “Mồ cha xa hơn lều chợ, kẻ chợ gần hơn tổ tiên”

Nói theo ngôn ngữ Nam Kỳ là “Mả cha không khóc đi khóc gò mối” ,”Ông láng giềng chết thì khóc, cha chết không buồn”

Văn hóa Miền Nam thờ 4 đời,có nhà ông sơ còn không thờ,mắc gì đi thờ ông ‘tổ’ xa mút mùa Lệ Thủy,tổ đại bác thụt hoài không tới

Là người Nam Kỳ chơn chánh thời biết mình,không làm những trò dị hợm đó

Xin đặng lòng ghi nhớ!

Nguyễn Gia Việt

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín