Chắc nhiều người như tôi, khi mới nghe tên “Trần Đề” cứ tưởng là tên nhà cách mạng nào đó ở địa phương. Nhưng không, đó là do gọi trại từ chữ “Tran De” do người Pháp phiên âm từ một gốc gác khác, mà tôi xin dành cho các nhà Sóc Trăng học giải thích.
Trần Đề, tên huyện của tỉnh Sóc Trăng sẽ được nhiều người biết đến hơn khi nơi đây vài năm nữa sẽ có Cảng biển lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong một lần uống rượu chuối hột ở Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng, tôi được nghe ông Nguyễn Văn Thể lúc đó là Bí thư tỉnh hào hứng kể. Ông nói Cửa Trần Đề là điểm giữa cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long muốn ra biển Đông. So với việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái, Tp.HCM khá xa thì từ Cà Mau, Bạc Liêu lên cũng gần; Vĩnh long, Trà Vinh, Tiền Giang xuống cũng không xa; còn An Giang, Cần thơ, Hậu Giang thì xuôi ra biển lớn mấy hồi. Mặt khác, ra biển bằng Cảng Trần Đề còn tránh áp lực giao thông của tuyến trọng yếu miền Tây – Tp. HCM. 5 năm qua, tuyến tàu khách Sóc Trăng – Côn Đảo ngon lành, cũng là tiền đề cho sự hợp lý của dự án cảng biển này. Là người có học thức nhiều về giao thông, ông còn nói nhiều về ý nghĩa logictic của dự án này mà tôi là người ngoại đạo nên không dám kể lại.
Tính từ Bắc xuống Nam thì Trần Đề là cửa sông cuối cùng của các nhánh sông Cửu Long. Cái điểm nhấn đó sau khi có cảng thì nó sẽ nằm trong chuỗi đô thị biển của nước ta – tôi nghĩ vây. Có thể kể: Nha Trang, Vũng Tàu, Trần Đề rồi vòng qua mũi Cà Mau đến Sông Đốc, Rạch Giá và cuối cùng là Hà Tiên. Vài năm nay, chừng nửa năm mới trở lại thị trấn Kinh Ba (của huyện Trần Đề) thì bạn sẽ thấy khác, đường rộng thêm ra, nhà đẹp thêm nhiều và đất đai cũng sốt.
Kinh Ba thẳng thóm trổ ra sông Trần Đề, dài chừng non cây số là bến cá lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng. Bến cảng này có cả tàu to vài trăm tấn đến ghe nhỏ cũ kỹ, máy móc lịch xịch đi biển một buổi là về. Mỗi ngày, từ 3 giờ chiều là ghe cá về. Bạn có thể mua những có cá khoai đỏ mang, con tôm sắt đỏ màu… không thể nào tươi hơn. Thú vị nhất là ghe vừa cặp bến, người ta gánh mẻ lưới lên rồi gỡ cá tới đâu cân bán tới đó. Cá tôm tươi đến thế là cùng!
Vàm Kinh Ba nhìn về phía bên kia là cuối Cù Lao Dung, cù lao dài nhất trên dòng sông Hậu. Đôi bờ kết nối bởi con phà gỗ vào loại lớn, nhưng không chở được xe 4 bánh. Khi thị tứ Kinh Ba được đô thị hóa nhanh thì bờ bên Cù Lao Dung chắc cũng ăn theo mà phát triển.
Nhiều năm qua, tôi nhiều lần ghi hình xứ này với hiện trạng vừa đô thị vừa hoang sơ. Nay nó sẽ phát triển nhanh làm tôi tự tin hình ảnh mình có thêm giá trị tư liệu.
Nhân ngày hội 30 năm tái lập tỉnh của Sóc Trăng, không đi ghi hình được vì sức khỏe đành “múa chữ” làm vui với dự án mà mình hy vọng sẽ được nhìn thấy khi nó hoàn thành.
Trần Chí Kông