Home Địa danh nổi tiếng Ôn lại chút lịch sử miền Nam qua một ngày lang thang Biên Hòa.

Ôn lại chút lịch sử miền Nam qua một ngày lang thang Biên Hòa.

0
Ôn lại chút lịch sử miền Nam qua một ngày lang thang Biên Hòa.

Kênh Zai Tri cảm ơn bài viết của anh Nguyễn Bảo Châu chia sẻ thông tin và hình ảnh về địa danh cù lao Phố hay Trấn Biên ngày nay là thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam nơi có nhiều di tích lịch sử gắn liền với việc khẩn hoang xây dựng cuộc sống trong việc mở rộng cõi đất nam của người xưa.

Biên Hòa cách Sài Gòn 30 km, xưa kia là Trấn Biên, trung tâm của toàn bộ miền Nam.

Người có công phát triển vùng Cù lao Phố (Nông Nại Đại Phố) là ông Trần Thượng Xuyên. Mộ ông Trần Thượng Xuyên nằm bên bờ sông Đồng Nai, hiện thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Thế kỷ 18 quân của Nguyễn Huệ vào đốt phá Cù lao Phố giết rất nhiều Hoa kiều, cướp của cải chở về Qui Nhơn. Từ đó các thương nhân người Hoa chạy về vùng Chợ Lớn.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Tân Lân (Tân Lân thành cổ miếu) thờ ông Trần Thượng Xuyên hiện nay bị đường Nguyễn Văn Trị cắt ngang. Hiện đình còn giữ sắc thần của vua Tự Đức.

Bình phong đình Tân Lân​
Bình phong đình Tân Lân
Đình Tân Lân và đường Nguyễn Văn Trị - Photo: Nguyễn Bảo Châu
Đình Tân Lân và đường Nguyễn Văn Trị

Biên Hòa có di tích thành cổ duy nhất của Nam bộ tồn tại đến ngày nay. Thành Biên Hòa còn gọi là Thành Cựu do vua Minh Mạng cho xây. Di tích Thành Biên Hòa hiện chỉ còn khoảng 1/10 diện tích.

Một người học trò của Võ Trường Toản là ông Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định Thành Thông Chí,… được an táng tại làng Bình Trước nay thuộc phường Trung Dũng. Lăng Trịnh Hoài Đức còn gọi là Lăng Ông được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu mộ ông và bà Trịnh Hoài Đức
Khu mộ ông và bà Trịnh Hoài Đức

Một di tích lịch sử cấp quốc gia khác là Nhà hội Bình Trước. Kiến trúc của di tích khá độc đáo, được xây dựng bởi những nghệ nhân về nghề xây dựng, gốm của Biên Hòa. Trong tổng thể của di tích, nổi bật lên những mảng trang trí, những bức phù điêu nghệ thuật gốm cùng với những mảng kiến trúc và điêu khắc gỗ.

Biên Hòa có 3 ngôi chùa cổ nhất là Bửu Phong, Đại Giác và Long Thiền. Theo các nhà nghiên cứu thì tên đúng của chùa Long Thiền là Long Thiềng. Chùa cũng được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

VN có nhiều Văn Miếu, nhưng có những Văn Miếu đã thành phế tích, có những Văn Miếu mới xây không được công nhận. Hiện nay chỉ có 8 Văn Miếu được công nhận là di tích cấp quốc gia thì có một nằm ở Biên Hòa, đó là Văn Miếu Trấn Biên.

Quanh khu vực cầu Ghềnh, cả 2 bên, phường Hiệp Hòa (tức Cù lao Phố) và phường Bửu Hòa đều có nhiều di tích.

Đầu tiên là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, tại phường Hiệp Hòa. Là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu, ông được xem là vị tướng mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.

Nằm cạnh đó là chùa Ông-Thất Phủ Cổ Miếu, một nét văn hóa không thể thiếu của cộng đồng người Hoa Cù lao Phố.

Kế tiếp là đền thờ Nguyễn Tri Phương, tại phường Bửu Hòa. Năm 1835 ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Việc thành công ông được thăng hàm Thị lang. Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Nguyễn Tri Phương huy động từ 15.000 đến 20.000 quân, chia thành ba đạo: một đạo chính đóng tại Gia Định, một đạo đóng ở phủ hạt Tân An; một đạo đóng ở tỉnh hạt Biên Hòa.

Truyền thuyết:
Ngày xưa khoảng năm 1775 tại cù lao Phố có người tên Võ Hữu Hoằng, dân đọc trại thành Thủ Huồng. Ông được người vợ đã mất dẫn đi thăm âm phủ và thấy được cái gông rất to để sẳn chờ ông. Ngày nay người ta vẫn nhắc đến Gông Thủ Huồng. Trở về ông lo làm việc từ thiện như xây cầu Thủ Huồng (hiện nay vẫn còn thuộc phường Bửu Hòa), lập nhà bè tiếp tế thức ăn cho hành khách… Sau ông có dịp cùng vợ đi thăm âm phủ thì thấy cái gông nhỏ đi rất nhiều.


Chuyện cũng kể rằng vua nhà Thanh (Trung Quốc) tên là Đạo Quang (1782-1850) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định. Số là khi mới sanh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi rõ chuyện, nhà vua có gửi cúng chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng) ở Biên Hòa một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương. Do việc này, mà có người bảo rằng: Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Quốc.
Chùa Chúc Thọ ở cù lao Phố, cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 400 m, vẫn còn bảo tồn ba pho tượng Phật cổ bằng gỗ và bộ tượng A-la-hán cao 0,74m bằng đất nung ở thế kỷ 19.

Nguyễn Bảo Châu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here