Home Văn hoá Chúng ta vẫn nói tiếng Miền Nam dù cái buồn cao ngất

Chúng ta vẫn nói tiếng Miền Nam dù cái buồn cao ngất

0
Chúng ta vẫn nói tiếng Miền Nam dù cái buồn cao ngất
Người miền Nam
13 / 100

Những câu nói của người miền Nam trong cuộc sống thông dụng, nghe gần gũi, lâu lắm chúng ta mới nghe được trong văn hoá giao tiếp của người miền Tây / phương nam được anh Nguyễn Gia Việt chia sẻ rất hay, Zai Tri mong mọi người tiếp tục giữ tiếng nói Miền Nam cho con cháu đời sau.

Xưa lúc những người già trong dòng họ tui còn sống thường nghe mấy ổng bả than van con cháu kiểu :

“Mèng đéc cưi! học hành chưa mà con cú rũ vậy con?” 

Cú rũ là buồn ,mà buồn dữ thần ôn,hình dáng tệ hại,mặt mày chàu quạu

Sơn Nam trong “Hương Rừng Cà Mau ” truyện “Sông Gành Hào” có chép:

“Ngày qua, ngày lại.Chiếc bè trôi lên trôi xuống theo nước lớn nước ròng. Hai cha con Tư Ðức ngồi cú rũ bên chuồng”

Cú rũ là tư thế con chím cú nó rũ lông,nhìn hết muốn ham 

Đó là buồn,cái buồn của người Miền Nam được ông Vũ Hồng gói gọn là buồn sâu:

“Người Phương Nam say thì say trọn 

Người Phương Nam buồn thì buồn sâu 

Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng 

Văng vẳng ầu ơ, giọng dí dầu”

mientay nguoimiennam
Chúng ta vẫn nói tiếng Miền Nam dù cái buồn cao ngất 2

Trong cuộc sống chúng ta cũng hay vỗ vai bạn bè chọc “Mặt mày mày làm gì mà cắn cơm không bể vậy nhỏ?” 

Buồn tới độ cắn hột cơm không bể là ghê lắm á .Ngồi cầm chén cơm và hoài không được mấy hột,ông bà ghét con cháu ăn cơm mà nhơi vì sợ mốt sẽ nghèo 

Người Việt tổ tiên ta sống nhờ nông nên rất quý trọng hột gạo, coi cơm là “hột ngọc” của Trời

Thành ra ông bà không cho rớt một hột gạo nào ra đất,dặn con cháu ăn cơm không giỡn hớt làm lọt hột cơm nào ra ngoài,ăn phải vén khéo 

Trong đám giỗ nhà Nam Kỳ thường có năm chén cơm trắng cùng năm đôi đũa đặng cúng ông bà,chén cơm trắng tinh bay mùi thơm phảng phất,khói cơm bay khắp bàn thờ 

Nam Kỳ là đất mới,kiếm được hột cơm không có dễ đâu,phải khai hoang,chống chọi tùm lum với thiên nhiên khắc nghiệt,thú dữ chực chờ 

Điền chủ Nam Kỳ giàu có nức vách đổ tường thì hồi ban sơ cũng áo rách kiếm cơm từng hột mà thôi.Thành ra “hột cơm” Nam Kỳ cũng là thứ quý giá lắm

“Ăn cơm sao đặng mà mời

Nước mắt linh láng rã rời hột cơm”

Nghèo và đói là có thiệt ở Nam Kỳ,sách báo cứ mặc định”Phương Nam giàu có,trù phú” là nói bậy,nói kiểu mặc định chánh trị vùng miền

Người Nam Kỳ trọng cơm đến độ thành thói quen trong cuộc sống,ông bà cha mẹ nói với con “Ráng ăn ba hột cơm cho chắc bụng đi con” 

Ta có thuật ngữ”ăn qua loa ba hột cơm” là vậy 

Ông Bình-nguyên Lộc có một bài ký ,ông tả câu nói cuối cùng của một người bịnh bị bs cấm ăn cơm mà chết vì lỡ ăn cơm như sau :

” Nó kêu khóc rằng:“Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”

– Khi buồn,ông bà Miền Nam diễn tả rằng sao mặt mày mày bí xị,đi đứng xuôi xị vậy con?

“Như Tây nhựt trình ” của Trương Minh Ký viết năm 1880 có 2000 câu thơ theo thể song thất lục bát ghi lại chuyến sang châu Âu và Bắc Phi trên con tàu Tarn năm 1880 có đoạn:

“Sóng dồi quá tức thì lộn xuống

Còn một ta đi đứng như say

Đàn bà đâu thấy một người

Lên ngồi xuôi xị kêu Trời than van”

Chữ “xuôi xị” đã thành cửa miệng của người Nam Kỳ từ năm 1880 rồi 

Nhắc chữ xị,trước nhứt mọi người sẽ nhớ tới cái xị rượu đế của mấy trự nhậu nhẹt hoặc xị dầu mà bà ngoại,bà nội hay sai con cháu ra quán đong về 

Từ ngày xưa trơ xưa trất ai cũng rành sáu câu là 1 lít = 4 xị 

Hình ảnh chiều chiều hoặc mới sớm bửng mà ông chồng liêu xiêu chưn thấp chưn cao tay ôm xị rượu đế ,con vợ càm ràm,cằn nhằn cửi nhửi rủa xả dí theo mà ổng vẫn nhứt định đi nhậu là hình ảnh thường ngày ở Miền Nam chúng ta

Trước khi Pháp qua Nam Kỳ không có “xị”, người ta cũng đong kiểu lít,nhưng chiết ra trong mấy cái hủ sành nhỏ để sẳn và gọi là hũ,có hũ lớn,hũ nhỏ

Pháp qua,đo lường có lít ,bắt đầu xuất hiện nước ngọt đóng chai thủy tinh ,trong đó có xá xị chiết xuất từ một loại cây giải khát rất mát và dễ tiêu.Xá xị đóng trong những chai nhỏ có thể tích =1/4 của lít 

Tên xá xị từ tiếng Tàu 沙士 (sá sĩ) mà ra

Sau đó người Nam Kỳ lấy những chai xá xị thủy tinh đã xài xong đó để đựng rượu,đựng dầu hôi,dầu cải,dầu mè chiết ra từ hủ bự.Họ gọi luôn chai đó là ‘xị” 

Vậy là “cái xị” xuất hiện ở Nam Kỳ 

Trong bữa nhậu hễ ai bao dàn hết ,trả tiền hết,mạnh miệng nhứt được phong là “Chủ xị” 

Thiệt ra trong văn hóa Nam Kỳ chữ xị có nhiều lắm,đoc truyện Hồ Biểu Chánh sẽ thấy ông hay mô tả những thái độ dùng dằn không vui,mặt mày quạo quọ,chù ụ,biểu làm mà dùng dằn là “Xui xị” 

Viết từ “xui xị” ra thành xuôi xị 

Đôi khi nằm yên một đống sau khi nhậu được kêu là xuôi xị cán cuốc

Xuôi xị mà héo queo thì thành “bị xị” 

Rồi mặt chầm dằm không vui kêu là “mặt bí xị”, rồi um sùm,không còn trật tự loạn cào cào rùm beng lên kêu là “loạn xị” ,làm ăn mất uy tín,lừa đảo kiểu nhẹ kêu là ”mần ăn ẩu xị” 

Xuôi xị cũng có nghĩa là “xụi lơ cán cuốc” 

Xin lấy cài câu “Như Tây nhựt trình ” của Trương Minh Ký đặng dẫn chứng ngôn ngữ Miền Nam 

-Đi chậm kêu là “chậm rì chậm rịt” 

“Người về ủ mặt châu mày kẻ đi.

Tàu quày quạy, chậm rì chậm rịt”

Người Nam Kỳ ghiền “cà” lắm nha,thích cà rá,chụm củi cà ràng.Đi đi xe đò mà chạy chậm rì,xe bị “pan” đọc đường hoài,mấy bà già càm ràm:

“Chời đất ưi! xe cà rịch cà tàng kiểu này tới Tết chưa tới Sài Gòn đặng “

Cà rịch cà tàng là chậm còn “cà xịch cà đuội” thì nó hư mà nghe kêu răng rắc,cót két 

Còn “cà trật cà vuột” là ba hồi chạy,ba hồi chết máy pan xe 

-Nam Kỳ kêu nhộn nhịp là “rần rần”

 Khi nghe ồn ào trên nhà,bà ngoại sẽ ngóng ra trước nói lớn:”Làm gì mà rần rần vậy tụi  bây?” 

Hồ Biểu Chánh tả cảnh Sài Gòn vầy:

“Quang cảnh đìu hiu ngày trước đã biến thành quang cảnh náo nhiệt không thua gì Phú Nhuận, Hòa Hưng, Vườn Lài hay Xóm Chiếu. Hai bên đường nhà phố cất liên tiếp giáp hết không còn chỗ trống mà chen vô ở được nữa

Tối ngày thiên hạ qua lại dập dìu, lại thêm đủ thứ xe tranh nhau chạy rần rần không ngớt”

-Tả dài ,chiều dài thì hay kêu là “dài xọc” 

“Bốn muôn thước, ngó coi dài xọc,

Được vài muôn, bề dọc rộng thinh”

Con cháu nhổng giò coi bộ mau lớn,Tết gặp lại cô bác quở “Chèn ơi! nay con dài sọc vậy con” 

Dài xọc hoặc dài sọc.Chữ sọc là cái lằn chạy dọc theo chiều dài của trái dưa gang,trái dưa hấu.Nam Kỳ kêu áo ca rô là áo sọc 

“Trái dưa gang sọc dài sọc ngắn

Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh

Công em đắp lũy bờ thành

Trồng cho có trái để dành ai đây?”

Ông Hồ Trường An tả bông kiểu “bông cẩm nhung ở đây tốt thiệt,cánh bông lớn,nhánh lá dài sọc thiệt đẹp”

Dẫn bạn trai về nhà thì bị chê “Thằng gì ốm nhách,dài sọc” ,rồi ngẫm trong bụng “Xấu dây tốt củ nhen bây!” 

“Ai ơi chớ lấy học trò

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”

-Người Miền Nam kêu “ngàn”,tính “ngàn” ,không viết kiểu “nghìn” của người Miền Bắc.Nhưng sau 1975 đi ngân hàng bạn mà ghi “ngàn” là nó kêu viết lợi,nói “sai chánh tả.Nghĩ cũng ngộ!

“Thới Tây kể ước chừng ngàn chín

Kể và quan và lính và dân”

-Cái gì êm êm,dân Nam Kỳ nói là “êm ru” ,sau có thêm “êm ru bà rù” 

“Lấy neo rồi chạy êm ru

Thấy trời với nước một màu trong xanh”

-Người Miền Nam kêu những chổ sông ,biển có đá nước chảy xiết là “gành” 

“Ba ngày trọn, theo gành theo bái

Sumatra, còn thấy đó hoài 

Nội cù lao, sáu triệu người

Mười lăm vẹo thước bề dài thẳng băng”

Địa danh có đủ,có Gành Rái ở Cần Giờ ,Gành Dinh Cậu, Gành Lớn ở Phú Quốc  ,cầu Gành ở Biên Hòa,Gành Hào Bạc Liêu 

Ca dao Nam Kỳ xưa có câu: 

“Anh đây lên thác xuống gành

Đá mòn sông cạn quyết  chung tình với em”

Rất khó chịu khi thấy ca sĩ hát bài dân ca Nam Kỳ gốc mà biến âm nó hoàn toàn .Họ hát như sau:

“Ầu ơ…. 

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi, mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

Thưa  ! nguyên văn gốc là :

“Ầu ơ…. 

Dí dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi

Khó đi, mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

Gập ghình là biến ân của gập gành 

Tức là ở Nam Kỳ không có ghềnh.Sau 1975 cầu Gành thành ra cầu Ghềnh ,rồi Gành Dinh cậu ra Ghềnh Dinh Cậu là bị “ép” 

-Nam Kỳ kêu im ắng quá,tĩnh lặng quá là “lặng trang” 

“Trời xanh kệch, biển lặn trang

Xa trông cá nược ước bằng cá bông”

Đi chợ về tới nhà mà thấy cửa nhà mở banh chành,nhìn ngó không có người,bà cố hết hồn kêu con cháu “Bây đâu hết rồi mà để nhà lặng trang vậy bây!” 

-Nằm chèo queo là cách người Nam Kỳ tả một người nằm cái tướng như con tôm luộc 

“Đồ ăn đồ uống vì vèo 

Mà người ta vẫn chèo queo than dài”

Ca dao có câu:

“Một vợ thì nằm giường lèo

Có gối tai bèo, sáo rủ, màn treo

Hai vợ thì nằm chèo queo

Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm”

Nằm chèo queo là một phương ngữ đặc trưng của xứ Nam Kỳ chỉ một tư thế người nằm hơi cong cong như con tôm ,mà nằm một mình trong tâm trạng hông vui, cô đơn

Từ nầy trước xài cho người sau chỉ luôn vật,trái mướp đèo cũng có thể nằm chèo queo trong văn thơ Nam Kỳ 

“Cây bình linh lá cũng bình linh 

Gá duyên không được một mình chèo queo”

Các nhà văn tiêu biểu cho văn chương xứ nầy đều thích viết chèo queo khi thể hiện một tâm trạng buồn rầu 

 “Bà Kế hiền đau nằm chèo queo ở nhà một mình với hai đứa ở; Thượng Tứ đi biệt không thấy trở về.”(Con nhà giàu Hồ Biểu Chánh)

Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư cũng không thể thiếu chữ Nam Kỳ nhưng cô Tư đã lai ít nhiều:

“Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao”(Cánh đồng bất tận –Nguyễn Ngọc Tư) 

Câu văn của Nguyễn Ngọc Tư trong “Cánh đồng bất tận” đã thể hiện rõ một câu văn lai Bắc trong từ “co rúm” ,chèo queo đi với co rúm giống như Nam Bắc dính lẹo nhau vậy .Người Nam Kỳ không nói “rúm” , rúm ró; bẹp rúm là văn nói của Bắc ,người Nam nói là co ro 

Co ro là một từ người Trung cũng hay xài ,dân Nam Kỳ ít xài co ro mà thích chèo queo (và còng queo) hơn

Xin đọc lại một khúc trích  “Khung rêu” của bà Thụy Vũ: 

“Ông Tám vụt co ro như con cuốn chiếu trước cặp mắt sắc bén của ông Phủ mà ông có cảm tưởng lúc nào cũng chong thẳng về ông. Miệng ông lắp bắp :

– Dạ… bẩm quan lớn… lóng rày được mạnh giỏi?

Cái mặc cảm thua thiệt vẫn không rời khỏi tiềm thức ông Tám. Ông khúm núm chưa dám ngồi làm ông Phủ phải nhắc lại :

– Ngồi đi chú Tám. Tôi có câu chuyện muốn nói với chú đây”

Lóng rày là “hổm rày” đó đa.Hổm là quá khứ,Rày là  nay,là hiện tại.Hổm rày là từ bữa đó tới bữa nay.Bữa nay là thời điểm nói,biết quá rõ,còn bữa đó là …bữa kia,bữa kìa,bữa xa lơ xa lắc 

Người Bắc nói chữ “co ro” không có được,họ đọc thành “co gio” không hà 

Thí dụ Trịnh Công Sơn có bài hát 

“Ghế đá công viên, dời ra đường phố 

Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ 

Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ 

Em bé loã lồ, khóc tuổi thơ đi”

Khánh Ly sống trong Nam từ nhỏ uốn chữ “co ro” được,nhưng để ý coi,các ca sĩ Bắc sau này đọc thành “co gio” gần hết 

Tuồng cải lương nổi tiếng “Đêm lạnh chùa hoang” bị dân Nam gọi là “Đêm lạnh chèo queo” 

Tư thế nằm chèo queo cũng giống với nằm còng queo ,nhưng còng queo thấy thê thảm hơn,nằm cong vòng cứng đơ như xác chết 

“Em nằm võng rách còng queo

Bá hộ tới nói chê nghèo không ưng!”

Cái trợ từ “eo” được dân Nam rất khoái. Nằm chèo queo thì có miệng lưỡi dẽo quẹo , nước cạn queo, lòng dạ héo queo ,khô queo ,người tỉnh queo

Héo queo chưa có đủ nha,phải là “héo queo héo quắt” 

“Kiểng xa bồn kiểng lại héo queo

Anh xa người nghĩa như lồng đèn treo hết dầu”

Lời sau cùng:

Các bạn biết vì sao tôi thích ngồi lượm lặt Tiếng Nói Miền Nam không?Lượm lặt cực khổ muốn chết.Mục đích là muốn các bạn trẻ ráng giữ lại cho nó tồn tại,phải giữ lại trước cơn biến động xã hội từ giáo dục và tuyên truyền 

Tiếng nói Miền Nam còn thì mình còn,mất là mình tiêu tán đường 

Ngồi banh ra từng chữ sướng rơn hà.Ngồi nhấn nhá chữ nghĩa Nam Kỳ cơ hồ có thể thấy trước mắt mình những chuyện hồi xửa hồi xưa ,có cảm giác nó gần xịt hà,có cảm giác mình thò tay,giơ tay kéo cái rột là ra tiếng ngựa hí quân reo,tiếng trống tiếng mỏ dân lân dân ấp ,tiếng chưn rầm rập trên đường làng của những người Nam Kỳ lớp đầu tiên khai làng lập xứ hiện hồn trở về liền 

Cũng như tiếng bước chưn của hàng triệu người Miền Nam xa xứ quày quả trở về nhà ngày Tết,câu đầu tiên vừa vào cửa là “Mẹ ơi! mẹ đâu rồi!” 

Có cảm giác tiếng trống chầu hát bội,tiếng trống cúng đình lồng lộng đâu đây 

Ai cũng than,ai cũng nói “Kiếm đường rời khỏi VN càng nhanh càng tốt” ai cũng muốn đi vì này nọ 

Ai đi được thì đi,có điều kiện mới đi được, rủi không có điều kiện thì ở lại chịu trận chứ biết làm sao? Ở lại đặng mà bám nó,thương nó nhiều hơn chứ 

Ngồi lục lạo từng câu chữ Miền Nam mà ông bà mình và bản thân mình đã nói hàng ngày thấy nó thấm vào lòng mình tới da diết 

Hết thảy như cuốn phim xưa tuôn lại,thấy rõ bà cố,bà ngoại,bà nội cười.Thấy những đêm chong đèn hột vịt ngồi nấu bánh,mơ hồ nghe tiếng lửa lóc bóc ,hửi được mùi khói củi khét khét của những ngày gần tết se lạnh 

Có cảm giác vui sướng và hồn nhiên của con nít bên ông bà ,gia đình đầy đủ.Thấy cảm giác xưa mà rất gần cái mùi thịt kho hột vịt ngày tết,nhớ mùi bánh tét

Nghe tiếng bước chưn của ngoại ngoài hiên,nghe thấy tiếng ho khan của nội 

Hình ảnh cái gánh của mấy cô,mấy dì,mấy chị bán hàng rong bốc khói thơm phứt luôn là men say của người Miền Nam 

“Ai sương sâm sương sáo sương sa hột lưu đây!” 

“Ai ăn hột vịt lộn hôn!”

“Ai xôi đậu phộng,xôi đậu đen,xôi vò đường cát hôn!”

“Ai cháo lòng hôn!”

“Ai bún bò giò heo hôn!”

“Ai bánh hỏi,bánh tằm,bún thịt nướng hôn!”

“Ai ăn chè ….bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát hôn…”

Thấy hết,ký ức lùa qua cửa sổ rột rẹt như gió bấc thoảng,lấy tay kéo nó về và rất gần ,kéo cái rôt 

Phải nói là vừa vui vừa sợ cảm giác này.Sợ vì nó đã không còn từ lâu rồi,nhắc lại chỉ là rưng rưng,buồn tủi.

Nguyễn Gia Việt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here