Thứ Hai, Tháng Tư 22, 2024
HomeĐịa danh nổi tiếngTHÀNH GIA ĐỊNH và KIẾN TRÚC VAUBAN

THÀNH GIA ĐỊNH và KIẾN TRÚC VAUBAN

Thành Bát Quái (thành Gia Định, thành Phiên An, 1790 – 1835) là tên một thành cũ ở Gia Định, nơi đây có thể coi là “kinh đô tạm thời” của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) trước khi lên ngôi.

img 4067
Thành Bát Quái

Năm 1790, Nguyễn Ánh nhờ hai sĩ quan công binh người Pháp là Olivier de Puymanel và Théodore Lebrun thiết kế thành theo kiến trúc Vauban và kết hợp với bản vẽ quy hoạch của Trần Văn Học để xây dựng Thành Bát Quái (ông Học được giao việc “phác họa đường xá và phân khu phố phường” đường trong thành do ông có thời gian công du nhiều quốc gia và nắm bắt được nhiều phương pháp thiết kế của người Tây).

img 4068
Thành Bát Quái

Theo nhiều nguồn tài liệu thì Kiến trúc Vauban được cho là sản phẩm của Sébastien Le Prestre de Vauban (Hầu tước xứ Vauban, 1633 – 1707), một người Pháp được coi là một trong những nhà chiến lược quân sự có sức ảnh hưởng nhất trong thời kỳ vua Louis XIV. Ở thế kỷ 17, giai đoạn thường xuyên xảy ra các xung đột chính trị, tôn giáo hỗn loạn khắp Châu Âu. Điều khiến các chiến lược gia lo lắng nhất đó là phải thiết kế một thành trì đủ vững chắc để cầm chân và làm kẻ địch phải kiệt sức. Vì vậy, kiến trúc Vauban đã ra đời, đây là một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan mật thiết với nhau bao gồm các bức tường thành hình ngũ giác, lục giác mang tính phòng thủ toàn diện từ tường thành, pháo đài, pháo môn,… cho tới hào thành và đường bao ngoài hào. Trong suốt sự nghiệp của mình, Sébastien Le Prestre de Vauban đã đích thân giám sát việc xây dựng và cải tiến hơn 300 công trình kiến trúc trên toàn cầu.

img 4069
Thành Bát Quái 1790

Thật ra thì không phải tới thế kỷ 17 kiến trúc này mới xuất hiện mà nó đã trải qua một quá trình dài nghiên cứu và cải thiện để đạt được thiết kế tốt nhất.

Cuối thế kỷ 15, các vị vua nước Pháp liên tiếp cho tấn công, chiếm đóng lãnh thổ nước Ý. Các kiến trúc sư của Ý đã bắt đầu tìm tòi giải pháp về một quân thành có khả năng chống lại hỏa lực đại bác và bộ binh tấn công bằng súng hỏa mai. Năm 1529 Michelangelo đưa ra những phác thảo đầu tiên về cấu trúc pháo đài hình ngôi sao, đặt viên đá đầu tiên cho những thay đổi mang tính lịch sử trong kiến trúc quân sự thế giới. Các kiến trúc sư Phục Hưng khác tiếp tục phát triển ý tưởng này và mô hình pháo đài ngôi sao ra đời thay thế cho các tòa pháo đài Trung cổ.
Vào thế kỷ 16, một toà thành với thiết kế tiền thân của Kiến trúc Vauban là Karlovac đã được xây dựng ở Croatia năm 1580 bởi kiến trúc sư Matija Gambon thuộc Vương Triều Habsburg. Với kết cấu đặc biệt, thành Karlovac đã 7 lần phòng thủ thành công trước Đế quốc Ottoman.
Vì vậy, không hẳn Sébastien Le Prestre de Vauban là người tạo ra thiết kế này, mà thực chất ông chỉ là người thừa hưởng và cải tiến công sự, khiến kiến trúc này trở nên vĩ đại hơn nữa và được áp dụng cho rất nhiều toà thành kiên cố khắp Châu Âu.

Vauban về cơ bản là thừa kế những nghiên cứu của các kiến trúc sư đi trước, đặc biệt là Blaise Francois Pagan. Điều làm Vauban xuất chúng là ở chỗ ông biết ứng dụng các nguyên lý một cách xuất sắc nhất, biến hóa sáng tạo, tối ưu cho từng công trình tùy theo địa hình cụ thể đồng thời dựa trên nền tảng kiến thức quân sự và kinh nghiệm chiến trường.

Vauban quan niệm thành trì nào cuối cùng cũng sẽ bị hạ, vậy nên nó có nhiệm vụ phải làm cho đối phương trả giá đắt đến mức kiệt quệ khi chiếm được thành.

Và cũng với kiến trúc Vauban đó, năm 1790, các kỹ sư người Pháp đã hỗ trợ nhà Nguyễn xây dựng thành Gia Định (1790), thành Diên Khánh (1793). Sau đó các kỹ sư người Việt đã tự áp dụng kiến trúc này để xây Kinh thành Huế (1832), thành Hà Nội (1803), thành Quảng Trị (1809), thành Bắc Ninh, thành Quảng Ngãi… và tổng cộng là 32 thành từ năm 1802 – 1844.

Các tòa thành của vua Gia Long đều ứng dụng phong cách thiết kế kiểu Vauban tuy nhiên đến nay hầu hết chỉ còn lại hầu như đều chỉ còn dấu tích nền móng, may mắn thì còn lại cổng thành, cột cờ và vài đoạn tường.

Thành Gia Định có 8 cửa được xây theo kiến trúc Vauban nhưng có cấu trúc theo hình bát quái nên còn có tên khác là thành Bát Quái. Phía nam là cửa Càn Nguyên và cửa Li Minh, phía bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiền, phía đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấm Chí, phía tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt. Thời Minh Mạng đổi tên các cửa: phía nam là cửa Gia Định và cửa Phiên An, phía bắc là cửa Củng Thần và cửa Vọng Thuyết, phía đông là cửa Phục Viễn và cửa Hoài Lai, phía tây là cửa Tĩnh Biên và cửa Tuyên Hóa.
Khi Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn, ông xây thành cao thêm 1 thước 5 tấc.

Năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy của mình từ năm 1833 đến 1835.
Vua Minh Mạng cho rằng Thành Bát Quái thiết kế đặc thù với kết cấu vững chắc, kiểu mẫu quá cao, rộng, mới dẫn tới quân Lê Văn Khôi có thể cố thủ ở đó 3 năm, bèn thuê dân chúng trong hạt, san phẳng những chỗ núi đất, luỹ đất ở ngoài thành; còn thân thành và trong thành không sửa chữa nữa. Rồi thuê 3000 dân trong hạt, và dân 2 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường mỗi tỉnh 1000 người, dỡ gạch, đá, san hào, luỹ. Sau đó cho xây dựng thành Gia Định mới (1837).

Để hiểu sâu hơn về những công trình kiến trúc này, với kiến thức hạn hẹp của tác giả không thể viết hết trong một ngày hai ngày. Một số công trình hiện nay đã bị phá huỷ, chỉ có thể nhận biết qua những tấm hình được chụp bằng Flycam, nhưng ít ra sau khi đọc bài viết này, có thể giúp ta đánh giá sơ lược về tầm ảnh hưởng của kiến trúc Vauban với sự phát triển lịch sử của đất nước./.

Nguồn tham khảo: Saigoneer, Wikipedia Tiếng Anh.

XNKer

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín