Cụm từ Hán Việt “phố thị” đã chứng minh cho sự hình thành đời sống người Việt xưa luôn gắn với chợ, có chợ mới có phố và ngược lại. Nhưng đâu phải chợ chỉ được lập ra khi những dãy nhà xây xuất hiện, mà từ xa xưa, từ ngàn đời trước, chợ đã gắn bó với những cánh đồng nghèo khó, với những dãi núi rừng xa thẳm mù sương, với những dòng song và bờ biển,… Phải chăng bản tính của người Việt từ thời cổ đại đã e ngại những chuyến hải hành vượt trùng khơi, nhưng rất thích quần tụ theo cộng đồng quen thuộc, bởi vậy lịch sử dân tộc không ghi lại các chuyến thám hiểm viễn phương về những chân trời xa lạ, nhưng lại gắn với công cuộc giữ nước, mở làng, lập ấp… Bước chân người Việt chậm rãi nhưng bền bỉ, đặt tới đâu tức khắc sản sinh ra những tên đất, tên làng, những mái đình, luỹ tre thân thuộc…và trong đó, không thể thiếu việc nhóm lên một không gian chợ thân quen.
Chẳng nơi đâu trong nhà ấm cúng bằng bếp và không chỗ nào đậm chất văn hoá như chợ. Với người Việt xưa cũng như nay, chợ là khái niệm thật gần gũi, là nơi đến để trao đổi mua bán, vui vầy gặp gỡ… Trong dân gian chợ tự sinh tự huỷ, hình thành bởi nhu cầu của một vùng hay tiểu vùng, mang đậm chất địa phương và cũng thấm nhuần bản sắc cư dân bản địa. Bản chất đó của chợ nước Việt đã làm nên bức tranh đa sắc, chịu sự tương tác và góp phần tại nên nền bản sắc văn hoá riêng biệt của một nền văn minh lúa nước.
Trong cuộc sống ngày nay, khi những trung tâm thương mại sang rực rỡ ánh đèn cao áp và lấp loáng tủ bày hang đang hiện diện thường trực trong đời sống thị thành, thì ở các vùng quê, trên dãi núi cao… vẫn còn nguyên hình ảnh của các không gian chợ xưa. Tại đó, con người tìm đến mỗi ngày với tâm thức mua bán trao đổi hang hoá kết hợp gặp gỡ, trò chuyện,…
Xưa kia, hình ảnh quen thuộc của chợ tại những vùng nông thôn và thành thị Việt Nam là một khu đất trống ven làng, kế bên song, sau cánh đồng…, ở đó dãy mái lá lúp xúp quần tụ quanh gốc đa, mái đình và luôn sẫm một màu áo vải nâu thường trực. Người tứ xứ tìm đến chợ để bán gánh thóc, mớ rau, gia súc gia cầm, nông ngư cụ, vật dụng gia đình… và chẳng bao giờ thiếu các quán hàng ăn uống đậm chất bản địa.
Chợ vẫn là không gian sinh hoạt với mọi hỷ nộ ái ố, là nơi dung nạp và tiêu hoá mọi cung bậc đời sống cà về khía cạnh vật chất và tinh thần. Đi chợ nơi đô thị người ta thán phục sự giàu có sung túc, cũng kinh khiếp mọi mánh lới buôn bán xen kẽ với tính cách thật thà trọng chữ tín của người buôn bán. Thăm chợ nông thôn, khách lạ ngỡ ngàng, thích thú với những món ăn vặt đồng quê. Các bà, các cô xưa đi chợ rất thích món bún riêu cua, bánh đúc,… Nhưng khi vượt qua các quãng đường trắc trở để tới dãi núi rừng đậm chất hoang sơ kỳ bí, thăm các phiên chợ núi rừng, lúc đó mới thật sự thấu hiểu nét quyến rũ của miền sơn cước.
Nếu như ở vùng đồng bằng, đi chợ đa phần là phụ nữa, thì trên miền cao, chợ là nơi mọi thành phần, lứa tuổi tìm tới với những bộ trang phục đẹp nhất mà một nền văn hoá có thể tạo ra được. Triền đê Bắc Bộ và những cánh đồng lúa miền trung, miền Nam phổ biến hình ảnh gánh gồng của người phụ nữ tần tảo áo cánh, áo bà ba… hoặc đi bộ, hoặc ngồi thuyền, còn trên miền núi, mỗi phiên chợ là một bảng phối màu rực rỡ tô điểm cho sắc lam của thiên nhiên. Người Lô Lô áo hoa sặc sỡ với hang tram miếng ghép, người Mông tròn xoe tà váy rực rỡ, người Mường; Thái nền nã yểu điệu chiếc váy, dãy thắt lưng thêu hoa… Với người miền cao, đi chợ đâu chỉ để mua bán, đi chợ còn để khoe tà váy đẹp, đi uống rượu với bạn, đi để trao ánh mắt tình tứ và điệu hát duyên. Dẫu cuộc sống hiện đại nơi phố thị đã xoá nhiều phiên chợ dân gian, thì trên vùng Đông, vùng Tây Bắc vẫn còn đó sắc màu rực rỡ của phiên chợ Bảo Lạc; Đồng Văn; Phố Cáo; Y Tý; Cắn Cấu… Nhiều lắm những phiên chợ của người miền cao, bởi suốt một dải núi rừng hung vĩ chỗ nào chẳng có chợ, chợ họp theo tuần, theo tháng, theo năm… Một năm một lần là chợ Khâu Vai đậm chất tình của núi rừng Hà Giang, họp năm hai lần là chợ Bảo Lạc, họp tuần thì nhiều không kể xiết.
Chợ đồng bằng họp ở đầu làng, trên đê hoặc vị trí thuận tiện trung gian cho nhiều làng cùng đến, chợ miền núi họp dưới thung lũng, ven sườn núi, chợ vùng song nước họp ở mon sông, đầu bãi hoặc trên chính mặt nước mênh mang. Chẳng thể quên nếu đã một lần ghé thăm chợ nổi Cái Răng; Phong Điền… của miền Tây Nam Bộ trù phú. Với mạng thuỷ lộ chằng chịt, vùng Tây Nam Bộ đã sản sinh ra phương thức họp chợ đầy thú vị với hàng trăm con thuyền quần tụ, từ tam bản cho tới tắc rang, từ xuồng ba lá cho tới ghe hàng to lớn kềnh càng, tất cả cùng nương theo con nước tụ về, mua bán sản vật và từ đó lại toả đi nuôi dưỡng đời sống kinh tế của cả vùng. Có những khu chợ tìm gì cũng có, bán đủ mọi vật phẩm, cũng có những chợ chỉ chuyên kinh doanh một mặt hàng duy nhất. Câu chuyện về đất rừng U Minh xưa có khi chợ chỉ bán sản vật rừng như mật ong ngày nay không còn nữa, nhưng xã hội hiện đại lại sinh ra các khu chợ dân gian khác như chợ mua bán côn trùng dưới chân núi Thất Sơn tại An Giang, chợ hoa Đà Lạt, chợ đá quý tại Lục Yên, Yên Bái… Tới thưởng ngoạn cảnh sắc huyền ảo của thành phố Đà Lạt mộng mơ mà không được chứng kiến những chuyến xe hoa âm thầm họp đêm thì cũng đáng tiếc như về Hà Nội mà bỏ lỡ những buổi nửa đêm về sang tới chợ Nghi Tàm len lỏi giữa rừng hoa ướt đẫm sương đêm. Đi chợ để tìm hiểu văn hoá, tính cách cư dân bản địa, cũng là để được sống trọn vẹn trong hơi thở của mỗi vùng miền của đất nước Việt Nam giàu bản sắc.