TỪ KẾ TƯỜNG
VÒNG CÁ KÈO
Nhiều bạn trẻ và hầu như những người sống ở thành phố đều thích món lẩu cá kèo. Sài Gòn có hai khu phố lẩu cá kèo nổi tiếng ở đường Sư Thiện Chiếu và Bà Huyện Thanh Quan Q3. Con cá kèo từ đồng ruộng, bãi lầy quê mùa đã trở thành một món ăn khoái khẩu xếp vào hàng “đặc sản”. Tuy nhiên người thành phố đã ăn con cá kèo nuôi trong ao hồ chứ không phải cá kèo trong thiên nhiên. Dĩ nhiên con cá kèo nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì không thể ngon bằng con cá kèo sống trong thiên nhiên, làm hang, sinh sản, phát triển thành họ hàng nhà cá kèo “truyền thống” ăn phiêu sinh vật chắt lọc từ màng phù sa, rong rêu lẫn trong đất bùn.
Tại sao có cá kèo nuôi? Câu trả lời rất đơn giản vì cá kèo trong thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt, không kịp sinh sản để cung cấp cho nhu cầu thị trường ngày càng cao. Do đó thay vì đi bắt cá kèo hang, soi cá kèo ban đêm trên mặt ruộng, đặt nò bắt cá kèo vào mùa “nước chạy” trên kênh, rạch, đóng đáy… thì người nông dân phải nghĩ ra cách nuôi cá kèo trong ao hồ để có đủ số lương cung cấp cho thị trường, và từ đó, con cá kèo nuôi có trong nồi lẩu cá kèo phục vụ người sành điệu ở thành phố.
Muốn ăn cá kèo ngon, chất lượng, và sạch phải tìm về thiên nhiên. Nhưng bây giờ để ăn được con cá kèo ở môi trường thiên nhiên không phải dễ kiếm. Và để bắt được con cá kèo ruộng rẫy không hề đơn giản, dù có rất nhiều cách bắt như vừa nói. Nhưng có một cách bắt nhẹ nhàng, đơn giản, thông minh nhất mà người bắt không phải lội xuống bùn mò hang, lặn ngụp đặt dò, đóng đáy đêm hôm khuya khoắt, đội mưa đội gió đầu gành, cuối bãi mà ít người biết, biết cũng chưa chắc làm được. Đó là bắt cá kèo kiểu tài từ, vừa giải trí nhưng mà “làm chơi ăn thiệt: Vòng cá kèo.
Trở lại ngày xưa một chút, khi tôi ở trong con hẻm Nam Tiến quận 4. Năm 1963, toàn bộ khu quận 4 bị trận hỏa hoạn kinh hoàng từ lúc 4 giờ chiều tới 5 giờ sáng hôm sau. Nhà ba tôi cũng không tránh khỏi. Sau đó Nhà nước đền cho một cái nền ở Tân Quý Đông thuộc Nhà Bè, ngày nay là Q7. Toàn bộ người dân sống trong khu ổ chuột Q4 trắng tay, màn trời chiếu đất sau trận hỏa hoạn kinh hoàng về đây nhận mỗi người một cái nền nhà khá rộng, được cấp cho 10 tấm tole, một ít tiền hỗ trợ rồi mạnh ai nấy cất nhà mà ở. Nền nhà thì ruộng trống, xáng thổi bùn móc từ con kênh mới mở ra thổi lên. Đất nền chưa kịp khô phải cất nhà lên trên đó để ở, tạo lập cuôc sống mới nơi khu “Nhà cháy Tân Quý Đông”.
Năm đó tôi học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ). Sáng đi học quần dài xắn cao lên khỏi đầu gối, vai vác xe đạp, tay chống cây gậy dò đường vượt nửa cây số từ nhà ra đường lộ, tìm vũng nước ruộng nào đó rửa chân sạch bùn, mang dép, đạp xe lên bến đò Tân Kiển, qua sông, đạp tiếp tới trường Nguyễn Văn Khuê bên Q1 đi học. Lúc đó ngoài con đường đất vốn là bờ đê cũ bị chìm mất dưới lớp bùn dày từ khu nên nhà mới cất, không còn con đường nào khác vì chung quanh là ruộng hoang, lớp bùn do xáng thổi lên mênh mông, nếu dò gậy trật ra mép đường cũ thì té xuống lớp bùn này, không chết, nhưng ngập tới cổ.
Bất ngờ một hôm tôi phát hiện ra trên thảm bùn mênh mông đó có những con cá kèo to đùng mà hồi nhỏ còn ở quê tôi chưa thấy bao giờ. Lũ cá kèo không biết từ đâu hiện ra, sinh sôi, phát triển từng bầy bò nghễu nghện trên thảm bùn mà lạ là không ai nghĩ ra cách để bắt chúng, nhất là trẻ con trạc tuổi tôi. Bọn chúng thấy lượm đất chọi, chọc phá chơi trong lúc tôi tím cách bắt hàng hà sa số lũ cá kèo béo mập này để cải thiện bữa cơm gia đình. Tôi nghĩ ra cách “Vòng cá kèo” và chỉ có cách đó là hiệu quả nhất, ngoài ra không còn cách nào khác, vì xuống lớp bùn dày kia chỉ có lặn ngụp thôi, còn cá kèo thì chui hết xuống lớp bùn không tài nào bắt chúng được.
Nhưng “Vòng cá kèo” dứt khoát phải có một vật liệu tối ư quan trọng là sợi long đuôi ngựa, mà lông đuôi ngựa không hải dễ kiếm. Ngày đó, dưới chân cầu Ông Lãnh phía bên đường Bến Vân Đồn Q4 (còn gọi là Khánh Hội) có một cái chợ nhỏ, chợ này cũng có một bến xe ngựa để đưa rước khách hàng, chở hàng hóa tới lui phục vụ nhu cầu ngôi chợ mỗi ngày. Hồi nhà tôi ở hẻm Nam Tiến chưa cháy, thỉnh thoảng đi bộ mỏi chân tôi cũng có leo xe ngựa đi học. Vậy là một hôm tôi quay trở lại ngôi chợ nhỏ này, và không khó khăn gì để làm quen với ông xà ích nhưng mục đích của tôi là kiếm cái mình cần, tức là sợi lông đuôi ngựa. Nhân lúc ông xà ích bận bịu mấy mối hàng phía sau, tôi vòng ra phía trước tới sau con ngựa đang vẫy đuôi đuổi ruồi tôi nhanh tay bứt một cọng lông đuôi ngựa và lên xe đạp chạy thụt mạng vì sợ ông xà ích phát hiện.
Sợi long đuôi ngựa đen tuyền, cứng, nhỏ như dây cước câu cá, nhưng bền chắc, trơn láng như có thoa một lớp dầu, đây là đặc điểm thuận lợi của sợi long đuôi ngựa để dùng làm chiếc vòng thắt cổ con cá kèo, nên gọi tắt là “Vòng cá kèo”. Có sợi lông đuôi ngựa rồi tôi chế biến ngay “chiếc vòng vi diệu”, ra tiệm tạp hóa gần nhà mua sợi dây cước câu cá, dài khoảng 1,50 m, một cục chì tròn, nhỏ có lổ để xỏ sợi dây cước qua cột lại thành một nút thắt, phía dưới cục chi là một đoạn sợi lông đuôi ngựa vừa đủ để tôi thắt một chiếc vòng cột dính với sợi cước. Sợi dây “thòng lọng” này tôi cột vào đầu cây cần câu trúc dài khoảng 2m, mục đích của cục chì nhỏ là dằn sợi dây cước có cái “vòng cá kèo” không bị gió đẩy đưa mà giữ yên sợi dây ở thế thẳng đứng, chiếc “vòng vi diệu” sẽ là cái bẫy rà sát phía trước đầu con cá kèo, lừa thế tròng vào cổ nó rồi giật mạnh lên. Trăm con cá kèo đều bị “thắt cổ” lôi lên, không con nào sẩy được.
Vào ngày nghỉ học, bất kể sáng hay chiều tôi cầm cây cần câu không phải đi câu cá kèo, vì cá kèo không ăn mồi câu bao giờ, mà đi vòng cá kèo. Hồi đó xáng cạp đất dưới kênh thổi đầy mặt ruộng để bùn đất khô vài mùa, cứng lại thành nền nhà nên đâu đâu cũng là mặt ruộng lênh láng bùn, môi trường rất lý tưởng cho cá kèo sinh sôi phát triển. Cá kèo tự nhiên thành bầy đàn, nhiều vô số kể, chúng bò trên mặt bùn tìm thức ăn, tôi đi vòng chừng 1 tiếng đồng hồ cá kèo đầy một thùng nhựa xách nước. Người lớn, trẻ con xúm nhau kéo theo coi tôi “Câu cá kèo” chứ thật ra là “Vòng cá kèo”, mọi người đều ngạc nhiên há hốc, không hiểu sao tôi lại có phát kiến “thần sầu” như vậy, rất đơn giản mà cực kỳ hiệu quả. Cá kèo tự nhiên sinh sản, nguồn thức ăn bao la nên con nào cũng to kềnh, mập ú, dài cả gang tay. Thế là nhà tôi ăn cá kèo mệt nghỉ, nhưng ăn làm sao hết, có người gợi ý tôi mang ra chợ bán bớt. Tôi nghe theo và ngay từ ngày còn học trung học tôi đã biết “Vòng cá kèo” đem bán, dùng tiền kiếm được mua sách vở, để dành đến nghỉ hè, nghỉ tết mua vé xe lửa, xe đò về quê.
Sau đó thì tôi truyền nghề lại cho những đứa trạc tuổi tôi ở trong xóm cách làm “vòng cá kèo”, nhiều người lớn cũng nhờ tôi hướng dẫn cách làm chiếc vòng vi diệu này và cách giật thòng lọng vào cổ con cá kèo. Từ đó vào mỗi chiều mát ngày thường và lúc sang sớm khi nắng lên ngày cuối tuần, cả khu nhà cháy, nhiều người đổ xô ra “Vòng cá kèo”, không khí rất náo nhiệt. Nhưng chỉ qua mùa mưa năm đó, khi mùa nắng trở lại người ta bắt đầu cất nhà, chẳng bao lâu cả cánh đồng mênh mông bùn sình, nhun nhút lũ cá kèo đã biến mất, nhường chỗ cho một khu dân cư đông đảo gọi là Khu nhà cháy Tân Quý Đông thuộc Nhà Bè, giờ là Quận 7.
Bây giờ, ngay ở quê tôi cá kèo thiên nhiên đã thành của quý hiếm, là đặc sản, khó đánh bắt được nên thú vui “Vòng cá kèo” cũng không còn. Hiện cá kèo nuôi là nguồn cung cấp chính cho thị trường, kể cả những khu “Lẩu cá kèo” đường Bà Huyện Thanh Quan, Sư Thiện Chiếu ở Quận 3 và những nơi khác. Còn “Chiếc vòng cá kèo” làm bằng sợi lông đuôi ngựa thì hầu như rất ít người biết.
Trân trọng cảm ơn tác giả bài viết: Từ Kế Tường