Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
HomeĐịa danh nổi tiếngMiền Nam yêu thương

Miền Nam yêu thương

17 / 100

Không phải xứ nào của Miền Nam mình cũng có tên Hán Việt hay Khmer đâu à nghen!

Rạch Giá là Việt hoàn toàn do ông bà mình đặt. Rạch là con sông nhỏ,Giá là cây giá.Rồi Rạch Nhum,Rạch Đỉa,Rạch Gầm cũng hoàn toàn Việt

Nam Kỳ Lục Tỉnh mình miệt dưới Miền Tây là miền sông rạch chằng chịt

img 2610
Ghe thuyền phương tiện di chuyển trong luồng lạch chằng chịt ở miền Tây.

Sông thuộc loại lớn có sông Tiền,sông Hậu,sông Vảm Cỏ ,sông Cái Lớn ,những sông lớn xen kẻ vô số kinh rạch nhỏ không làm sao kể xiết

Dân Nam Kỳ vui lắm,ưa sông nước,cất nhà hay de ra mé sông hóng gió cho mát,kế bên có cái cầu làm bằng ba miếng ván buộc sẳn cái xuồng ba lá

Bạn để ý,thành phố,thị tứ,chợ búa,khu dân cư phồn thạnh Nam Kỳ đều dựa mé sông .Thâm chí mấy con lộ lớn nhỏ đều cặp mé sông,thành ra nghe lâu lâu bị hà bá nuốt lộ hoài là vậy

Người Nam Kỳ không thể sống thiếu sông,thiếu nước ,thiếu nó là mình sẽ hết văn minh,cũng như thiếu phù sa thì Nam Kỳ chết chắc

Cà Mau có kinh Cán Gáo.Cán Gáo là con kinh thẳng như cán gáo múc nước.Cái gáo múc nước làm bằng cái cây tra vô cái mủng vùa

Ở mé Gò Công có cầu Vàm Khém,khém là cái lạch,cái xẻo hẹp

Vàm là từ gốc Khmer “péam”.Vàm là đầu con rạch ăn thông với sông lớn

Vàm Láng Gò Công xưa thuộc làng Kiểng Phước,nằm mé bên sông Soài Rạp đổ ra cửa Soài Rạp.

Soài Rạp tức Lôi Lạp xuất xứ từ tiếng Khmer vì đất Gò Công xưa thuộc vương quốc Phù Nam ,sau đó bị nhập vào Thuỷ Chân Lạp, Cam Bốt

Vàm Láng là một làng mà dân sống bằng nghề đi ghe,đi biển.Dân đi ghe,đi biển nên rất dữ,tánh tình lựu đạn sét ,thuộc loại chằn ăn trăn quấn

Ca dao có câu:

“Rủ nhau đi cất chòi mồng
Xóm đâu về đó cho quan lập làng
Vàm Láng nhiều tay điếm đàng
Đến ở,trâu vịt, bắt ngang ăn hoài”

Có con sông lớn mang tên Vàm nổi tiếng ở Long An là sông Vàm Cỏ

Hai con sông ở sát Sài Gòn đã tạo ra một đồng bằng nhỏ và vùng văn hóa riêng ,nó hiên ngang với Đồng Nai và Cửu Long,tạo ra một tiểu quốc đồng bằng lúa gạo thơm tho nổi tiếng không lẫn lộn

Pháp viết là Vaico Oriental (Vàm Cỏ Đông) và Vaico Occidental (Vàm Cỏ. Tây)

Sông Vàm Cỏ Tây từ Đồng Tháp Mười rợp hương tràm (cầu Tân An) và Vàm Cỏ Đông từ Tây Ninh chảy xuống (cầu Bến Lức) gặp nhau tại một ngã ba hòa thành Vàm Cỏ là ranh giới giữa Cần Đước và Tân Trụ kêu là ngã ba Bần Qùy

“Bần de bần ngã bần quỳ
Sống mà chịu cảnh chia ly thêm buồn”

Vàm Cỏ lòng vòng uốn éo rồi trổ ra sông Soi Rạp ,cách biển Đông 20 km. Khúc sông này là ranh giới giữa Long An và Tiền Giang,Cần Đước và Gò Công

Sông Vàm Cỏ tạo ra đồng bằng hai bên sông, sản vật gồm cá tôm rất nhiều, nổi tiếng là cá chìa vôi, cá út ,cá phèn,cá lù đù , gạo nàng thơm Chợ Đào

Sông Vàm Cỏ đọan này (cầu Mỹ Lợi) có tên là vàm Bao Ngược

Đoạn này giáp nước tới 3 con sông,sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ Bần Quỳ trổ xuống , kinh Chợ Gạo từ Mỹ Tho chảy xuống hợp với sông Tra từ rạch Gò Công trổ ra,từ sông Soi Rạp vô ,thành ra ác chiến

Vàm Bao Ngược thường có sóng lớn vào buổi chiều, thường gây ám ảnh cho các ghe thương hồ lục tỉnh

“Anh đi ghe lúa Gò Công
Vô vàm Bao Ngược, bị giông đứt buồm”

Trăng rằm trên sông Vàm Cỏ đẹp nao lòng ,nó tròn mà lạnh lùng rất diễm lệ ,có dịp mời bạn đi coi thử

Người Miền Nam có nghề đi ghe

Cái nghề đi ghe chày,đi ghe bẹo,thương hồ cũng từ sông nước mà ra,chợ nổi Miền Tây là chợ thiệt,chợ thực tế,đâu như chợ nổi “diễn” lèo tèo của Thái Lan

Mà sông nước không phải lúc nào cũng hiền hòa ,nhè nhẹ như thơ truyện,những lúc nước lớn,nước lụt cũng rất thất kinh

Thương người sông nước

“Hò ơi….hò
Chiều chiều bắt nhái giăng câu
Nhái kêu éo ẹo, cái phận tui nghèo, chọc ghẹo tui chi?”

Nam Kỳ mình hay nói chổ giáp nước,có địa danh luôn như cầu Giáp Nước ở Tân Lộc Vĩnh Long

Giáp Nước là gì?

Là chổ giao nhau của hai dòng nước

Thí dụ sông Vàm Nao nối giữa sông Tiền và sông Hậu thì chổ giáp nước của nó là đoạn giữa,mà rất xoáy do hai dòng nước dữ đổ về

“Núi Sập sấm rền vang tiếng mũi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”

Vàm Nao ,có khúc kêu là sông Mỹ Hội chảy xiết tới mức có truyền thuyết về con cá sấu dữ 5 chưn tên là “Ông Năm Chèo” ẩn mình ở dưới

“Ở trên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới,
Anh ngồi chắc lưỡi,
Không biết chừng nào mới cưới đặng em”

Giáp nước có hai loại:

-Nơi hai dòng nước từ hai nguồn khác hướng ở hai đầu chảy lại

-Nơi hai dòng nước không cùng chiều gặp nhau, tạo thành vùng nước xoáy

Hiền hòa thì có giáp nước kinh Thủ Thừa là cái đoạn chợ Thủ Thừa.Kinh Thủ Thừa là con kinh nối giữa Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.Xưa nơi đây hoang vu,vì là giáp nước nên ghe tàu hay đậu chờ nước bớt mà đi,chợ Thủ Thừa có từ đó

Chổ nào có giáp nước ghe tàu đậu nhiều là ở đó có chợ

Trong cuốn” Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, học giả Nguyễn Hiến Lê viết:

“Đi trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chợ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau.

Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy”

Sơn Nam miêu tả đặc điểm ở một xứ sông nước có nhiều lục bình:

“Dông dài lắm. Chỗ này kêu là “giáp nước”, do Tây đào kinh xáng gây ra.

Nước lớn phía Cần Thơ dồn qua, nước lớn phía Rạch Giá dồn lại. Hai ngọn nước gặp nhau tại đây. Suốt ngày đêm, nước đứng tại chỗ. Xa biển, ngoài biển vừa ròng, thỏm nỏm, chưa rút hết thì đứng lại, rồi nước lớn

Bởi vậy, từ mấy chục năm rồi, nó sanh đẻ tại chỗ, dày bịt, quy tụ nào xác chó, rắn nước, cá tôm. Giống như cái trấp ở U Minh, trên mặt cứng, phía dưới nước lõng bõng, coi như bơi xuồng được, nhưng rốt cuộc là chịu thua, sa lầy.” (“Vẹt lục bình”“Biển cỏ Miền Tây”)

Nói chung giáp nước trên kinh rạch thì hiền,có khi lững lờ nước chảy rất chậm nên lục bình đọng lại thành dề ,hiền hòa .Và giáp nước sông lớn sùng sục nước xoáy

Nổi tiếng không thua Vàm Nao là Vàm Bao Ngược,sông Vàm Cỏ khúc cầu Mỹ Lợi giữa Cần Đước và Gò Công vừa kể ở trên

Xưa ghe thương hồ đi đường sông từ bến Bình Đông, bến Cầu Ông Lãnh trổ xuống Phú Định ra Vàm Cỏ Đông theo kinh Thủ Thừa trổ ra về Miền Tây thế nào cũng phải ngừng nghỉ ở chờ con nước

Bối Ba Cụm được giang hồ Bình Điền, Bến Lức,Chợ Đệm, tỉnh Chợ lớn truyền tụng

Thiệt ra tên nó là Ba Cụm

Ba Cụm nằm ở đoạn giáp nước sông Chợ Đệm, nơi nước từ Bến Lức chảy lên, từ sông Rạch Cát Phú Định chảy xuống,hai con nước lớn và ròng đụng nhau nên xuồng ghe đậu lại đây chờ con nước rất đông

Ăn trộm cũng phát sinh từ đó,bối là ăn trộm,Bối Ba Cụm

Cho nên bạn chèo theo nước lớn vô Ba Cụm, phải canh làm sao cho khi vừa tới chỗ giáp nước, thì nước phía bên kia cũng ròng đặng chèo đi luôn cho nhẹ,nán lại là mất của

Chợ Đệm hình thành cũng từ ghe chèo này,các ghe ghé lại mua đệm may buồm, mua bao cà ròn,mua nóp

Nam Kỳ có một chổ giáp nước rất nổi tiếng nằm ở ngoài biển Vũng Tàu

Đó là chổ giao nhau giữa sông Soi Rạp và Biển Đông,dòng nước ở đây một bên đục một bên xanh trong.cái chổ này ngư dân Cần Giờ hay giong ghe ra cúng”Nghinh Ông” hàng năm

Muốn về thăm con ghệ ở Rạch Giá,bạn đi từ Rạch Sỏi vô Rạch Giá thế nào cũng đi ngang rạch Vàm Trư

Cái vàm rạch có cái họng nhìn giống con heo thôi

Khúc dưới kinh rạch nhiều mà bàn tám năm không hết

“Cái Răng – Ba Láng – Vàm Xáng – Xà No
Anh có thương em thì mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh”

Trong văn minh Nam Kỳ lục tỉnh thì từ ” Xáng” đã trở nên quen thuộc

Ở Sài Gòn có cầu Kinh Sáng mé Trung Sơn-Âu Dương Lân ,anh chị nào hay “tạt” qua mấy cái KS bên khu Trung Sơn sẽ biết cầu này

Sài Gòn có xóm Cầu Xáng .Ở Long Định Tiền Giang có con kinh Xáng và cây cầu Kinh Xáng rất lớn.Ở Tri Tôn An Giang cũng có kinh Xáng. Cà Mau có kinh xáng Đội Cường, kinh xáng Bà Kẹo

Đặc biệt miệt Hậu Giang có Kinh Xáng Xà No lớn và dài đem lại nguồn lợi to lớn cho vùng này

Xáng do chữ Pháp chaland (xà lan) mà ra .Do người Pháp đặt cái máy đào có cái hàm cạp đất trên một cái xà lan trên sông nên dân Nam gọi là xáng

Người Nam Kỳ gọi cũng ngồ ngộ,dân miệt Sài Gòn,Long An,Gò Công gọi là xáng cạp ,dân Định Tường ,Hậu Giang gọi xáng múc.Sau này có thêm xáng thổi

Xáng múc,xáng thổi,xáng cạp

Dân Nam Kỳ hay chửi thằng làm biếng là ” Ăn như xáng múc làm như lục bình trôi”

Để khai phá cánh đồng Hậu Giang bạt ngàn nhưng thiếu nước, năm 1901 Pháp dùng 4 cái xà lan đào con kinh nối từ sông Cần Thơ qua Rạch Giá trong 3 năm từ 1901-1903 công trình thủy nông được cho là lớn nhứt Nam Kỳ đã hoàn thành,kinh dài 34 km, rộng 60 m,đem nước tưới cho hàng trăm ngàn mẫu điền ở vùng này

Tên chánh thức của nó là Kinh Xáng Xà No.Xà No là tên một xóm Khmer ở đầu vàm , tiếng Khmer cây bông điên điển là Snor

Nhờ con kinh xáng,văn minh đã về miệt này,chợ búa,trường học ,nhà máy xay lúa,chành chứa lúa gạo nở ra như núm

Liệt kê các chợ dọc kinh xáng Xà No như sau : chợ Vàm Xáng , chợ Một Ngàn, chợ Bảy Ngàn, chợ Cái Nhum, chợ Hỏa Lựu,Cầu Xáng,Xáng Mới,Xáng Chìm,Xáng Nổ,Xáng Bộ,xáng Lái Hiếu, xáng Nàng Mau

“Củ năn ngăn trong lòng son đỏ
Mấy lời to nhỏ: bạn bỏ sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia liệt máy, anh mới đành bỏ em”

Pháp đào kinh, đắp lộ hai bên con kinh xáng, mở chợ ,nhà máy xay lúa,nhà cửa dân lục tỉnh cứ theo hai bên mé kinh mà mọc ra ,từ đó trường học,bịnh viện theo ra

Hàng vạn xóm làng,thị trấn,thành phố dựa mình vào một con kinh xáng.Đó là “Văn minh kinh xáng”

Té ra Pháp khai thác thuộc địa,nhưng còn để lại văn minh đó đa

Ghe thương hồ Nam Kỳ hay neo ở bến chợ thường là ghe bầu và ghe chài

Ghe bầu là loại ghe lớn nhứt, mũi và lái nhọn, bụng phình bự ra, có trọng tải tương đối lớn, chạy từ 1 đến 3 buồm, lướt sóng tốt và đi nhanh, có nhiều chèo để đi sông và đi biển dài

Ghe bầu (Prau) bắt nguồn từ tiếng Chàm

Tại chợ Cầu Muối luôn có ghe bầu từ Trung Kỳ chở cá, mắm ,muối,nước mắm vào bán trong Nam, rồi mua gạo thóc chở ra ngược lại

Ghe chài là loại chắc và to chở được nhiều nhứt, tải trọng từ 150 tới 300 tấn hàng,ghe chài có mui rất kiên cố, có hai tầng. Ghe được chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau là chỗ ăn ngủ cho người đi ghe.

Ghe chài có cả chục người chèo với kiểu chèo “neo” ngược chứ không như kiểu chèo ghe bình thường

Về sau, người ta dùng tàu kéo ghe chài. Ghe dùng cho người đi buôn bán xa, dài ngày và sống trên sông nước.

Dân lục tỉnh thích ghe chài,nhứt nhà ghe Cần Đước mũi đỏ,thường chở lúa gạo, than củi,trái cây

“Chài” xuất xứ từ tiếng “Pok chài” của người Triều Châu, Pok: nhiều, chài: tải, ghe chài là loại ghe có sức tải lớn

Theo ông Vương Hồng Sển, ghe chài gọi đầy đủ là ghe bốc chài, “tuk pokchay”, tuk: ghe, thuyền (Khơme); pokchay (Triều Châu): chở nhiều

“Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
Kẻo dông khói đèn bờ bụi tối tăm
Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể
Cưới vợ có chừ về thổi lửa queo râu”

Nhơn tiện nhắc tới cái ‘ghe hầu’ luôn .Ghe hầu là ghe sang,ghe nhà giàu,quan chức xưa hay đi

Ghe hầu có hai chèo trước mũi,sơn son thếp vàng đầu rồng đuôi phượng,có buồng trên cao với màng trướng,gối chiếu ,ban đêm đốt đèn sáng choang để báo hiệu dân phải tránh ra xa

Trên một chiếc ghe hầu ,năm 1874 Huỳnh Công Tấn hay Lãnh Binh Tấn (Đội Tấn) hung thần Gò Công thời Pháp đã chết năm 37 tuổi trên đường đi Sài Gòn cấp cứu

Đội Tấn có con trai là Huỳnh Công Miêng thì nổi danh vì tánh khí như tráng sĩ

Trong”Thơ Cậu Hai Miêng có đoạn mở đầu như sau:

“Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh!
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh…”

Năm 1920, Pháp đã ra quy định đánh số ghe mỗi tỉnh,có cả thảy 20 tỉnh ở Nam Kỳ ghép thành vần, rồi đặt số:

“Gia, Châu, Hà
Rạch, Trà, Sa, Bến
Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên
Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc “

Thành ra ghe tàu Gia Định là ghe vua ,mang số 1

Pháp quy định tất cả ghe thuyền loại cỡ từ 3 cây chèo trở lên đều phải vẽ số (do chính quyền cấp)

Số ghe thuyền bao gồm số thứ tự (numéro, viết tắt trên ghe là N0 rồi liền sau đó là các chữ số) và ký hiệu chỉ về địa phương (tỉnh)

Chẳng hạn, tỉnh Rạch Giá được ghi là RP4 (Rạch Giá province), số 4 đứng sau RP là số thứ tự của tỉnh trong 20 tỉnh (sau thành 21)

Với những tỉnh có chữ cái đứng đầu trùng nhau như Châu Đốc và Chợ Lớn (trùng hai chữ C), Bến Tre và Bạc Liêu (trùng hai chữ B) người ta nhìn màu sắc sơn ở mũi ghe hoặc “con mắt ghe” (kiểu vẽ) để phân biệt

Theo thống kê của người Pháp thì xứ Nam Kỳ có tới 40 loại ghe tàu

Đi chợ nổi Miền Tây nhiều bạn hỏi sao nhìn nhiều ghe sơn cái mũi ngộ quá .Sơn màu ghe là quy định có từ thời Nguyễn lận

“Ghe ai mũi đỏ, xanh lườn
Phải ghe Gia Ðịnh xuống vườn thăm em?”

Cần Đước xưa thuộc Gia Định là sơn ghe mũi đỏ

Ghe Cần Đước nhìn không lộn vào đâu được bởi nét đặc trưng có mũi sơn màu đỏ tươi, lườn sơn màu xanh, mắt vẽ hai bên đầu mũi tròn xoe, tròng đen to choán gần hết mắt

Triều Minh Mạng 1836,theo tờ tấu của Trương Minh Giảng có lịnh sơn ghe: Đầu ghe Gia Định ,Biên Hòa sơn đỏ, viền đen.Ghe Vĩnh Long , Định Tường sơn đen, viền trắng. Ghe An Giang màu lục, Hà Tiên màu lục, viền vàng

Kẻ nào bôi sắc gian mạo thời phải tội nặng

Thời chúa Nguyễn,Điều khiển Tham mưu Đồn Dinh là Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh là người tbuộc tất cả ghe thuyền Miền Nam lớn nhỏ phải khai báo tên họ, làm sổ sách tra cứu rõ ràng, rồi khắc chữ đóng nơi đầu thuyền

Ông còn đặt ra luồng chạy ghe, ghe thuyền đi gặp gió nước thuận hay nghịch, khi đi gần nhau thì phải hô là “bát” (tục thường ghe đi phía tả gọi là “cạy”, đi phía hữu gọi là “bát”) thì ghe mình đi qua phía hữu, để cho thuận lái thuận sào dễ điều khiển mà tránh nhau.

Nếu ghe này đã hô “bát” mà ghe kia còn đi tới phía tả không tránh để cho đụng nhau hư hỏng, thì lỗi ấy về ghe không tránh.

Nguyễn Gia Việt

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín