Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
HomeĐịa điểm du lịchSự tích chùa Thiên Mụ ở Huế

Sự tích chùa Thiên Mụ ở Huế

Ngày xưa khi đọc Kho tàng cổ tích Việt nam của Nguyễn Đổng Chi tôi đã bắt gặp Sự tích chùa Thiên Mụ. Chuyện kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng đang đi tìm đất để định đô, đến khu vực ngọn đồi bên cạnh dòng Hương này thì gặp một bà lão tóc bạc trắng. Chúa hỏi thăm đường bà lão, lúc đó bà lão đưa cho chúa một nén hương và dặn rằng : “Ngươi nãy cầm nén hương này xuôi theo dòng sông, đến nơi nào mà nén hương này cháy hết, thì nơi đó chính là nơi mà ngươi đang cần đến”. Theo lời bà lão, chúa Nguyễn Hoàng đã xuôi theo dòng Hương đến địa phận Kinh thành Huế bây giờ thì nén hương cháy hết. Chúa bèn dừng lại tại đó, mở đất, xây thành lập nên vương triều Nhà Nguyễn tồn tại hơn 200 năm qua 13 triều đại kế tiếp nhau. Nhớ ơn bà lão đã chỉ đường cho mình, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng 1 ngôi chùa tại địa điểm mà chúa đã gặp bà lão để thờ và đặt tên là chùa Thiên Mụ (tức bà mụ nhà trời).

Chùa Thiên Mụ Huế - Photo: Hồng Quốc Kiệt
Chùa Thiên Mụ Huế – Photo: Hồng Quốc Kiệt

Trong thực tế, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chàm – di tích được nhắc đến trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An vào năm 1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng, chùa mới chính thức được xây dựng. Việc xây chùa của chúa Nguyễn Hoàng cũng gắn liền với một truyền thuyết khác.
Truyền thuyết xưa kể lại rằng : Đồi Hà Khê rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển nước ta xem nơi nào có khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền thấy trên đồi Hà Khê có khí thiêng, bèn đào sau chân đồi để cách mạch đi, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm đó bỗng có một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ nhưng mái tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo”. Người đàn bà ấy nói xong biến mất. Từ đó gò đất được gọi là núi Thiên Mụ.
Khoảng năm 1601, Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong sau khi rời kinh đô Thăng Long đem quân vào đây định kế lâu dài, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ). Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự“ (chùa Thiên Mụ). Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên” phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (hay “Bà mụ linh thiêng”).Vấn đề kiêng cữ như trên chỉ diễn tiến từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869). Sau đó, người dân thoải mái gọi hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.
Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) nằm trên một ngọn đồi xã Hà Khê (cũ) mặt nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại, cách Cố đô Huế về phía Tây khoảng 5 km. Xưa kia nơi đây là một quả đồi hoang thuộc làng An Ninh, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Dưới con mắt của các nhà phong thủy thì vị trí của chùa Thiên Mụ quả là nơi đắc địa hiếm có. Chùa nằm trên ngọn đồi có nhiều cây cối xanh tốt, phía sau là những dãy gò đống nối dài, trước mặt là dòng sông Hương như dải lụa ôm sát chân đồi tạo nên sự hài hòa thơ mộng giữa kiến trúc với thiên nhiên. Chùa có khuôn viên rộng tới gần 4 ha, được bao bọc bởi tường gạch chu vi hơn 800m, phía trước là tháp đình, phía sau là điện miếu, tất cả đều toát lên vẻ trang nghiêm, huyền ảo.
Hương
Tháp Phước DuyênTháp Phước Duyên
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện. Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Một quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg). Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn chiếc chuông đang làm nhiệm vụ giữ nhịp thời gian của “tiếng chuông Thiên Mụ” hiện nay được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, để đi vào điện Đại Hùng.
Quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710), pháp khí của nhà chùaQuả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710), pháp khí của nhà chùa
Chuông Thiên Mụ đang sử dụng, đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815)

Thơ về chùa Thiên Mụ
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Chùa Thiên Mụ còn gắn liền với một câu chuyện tình bi thương, một sự tích đau buồn mà đến nay vẫn còn lưu truyền, người dân Huế thường lấy đó để lý giải nguyên do tại sao những đôi tình nhân thường ít khi cùng nhau tới đây để cầu khấn.
Tương truyền, vào thời Nguyễn, có một cặp trai gái yêu nhau thắm thiết. Cô gái là con nhà danh giá, có đủ cả thục, hiền, lễ, nghĩa, đức, trinh. Còn chàng trai thì mồ côi, nghèo khổ. Do đó cuộc tình của họ bị nhà gái phản đối kịch liệt. Suốt 5 năm trời, họ vừa lén lút hẹn hò nhau, vừa ra sức thuyết phục bên nhà gái tác hợp cho mối lương duyên nhưng không được. Họ đưa nhau đến chùa Thiên Mụ cầu xin trời phật phù hộ để được sống bên nhau trọn đời trọn kiếp. Tuy nhiên suốt 5 năm tiếp đó, nhà cô gái không những không thay đổi thành kiến, mà còn ép cô lấy một vị quan nhất phẩm trong triều. Bị ép tới đường cùng, chàng trai và cô gái hẹn nhau ra bờ sông Hương trầm mình tự vẫn. Họ mong rằng khi sống không được ở bên nhau, thì lúc chết sẽ được gắn bó mãi mãi.
Ác nghiệt thay, nước sông Hương dìm chết chàng trai. Nhưng cô gái trôi dạt vào bờ và được các ngư dân cứu sống. Từ đó, cô gái bị gia đình giam lỏng trong nhà. Cô luôn tìm cách tự tử để đi theo chàng trai nhưng không thành. Thời gian trôi qua, nỗi đau mất người yêu dần nguôi ngoai, cô gái theo sự sắp đặt của gia đình, kết hôn với vị quan nhất phẩm nọ và sống cuộc đời sung túc, đầy đủ. Oan hồn chàng trai nằm dưới đáy sông Hương chờ mãi không thấy người yêu, hận cho số phận uất trắc của mình, liền “nhập” vào chùa Thiên Mụ “bục” cho những đôi tình nhân đến đây cầu duyên đều bị chia tán vĩnh quyết đôi đường đôi ngả. Những ai đang phòng đơn gối chiếc, đến đây thành tâm khấn vái, nhất định sẽ sớm gặp được người trong mộng. Nhưng đã có người yêu rồi mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ đứt sợi tơ duyên.
Nguyễn Văn Liêm
Xin trân trọng cám ơn tác giả đã cung cấp bài viết này cho facebook “Huế”.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín