Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
HomeĐịa điểm du lịchTOUR “LÀM HẠI RÙA BIỂN CON” KHOÁC TRÊN MÌNH CÁI TÊN TỐT...

TOUR “LÀM HẠI RÙA BIỂN CON” KHOÁC TRÊN MÌNH CÁI TÊN TỐT ĐẸP

Một bài viết về việc can thiệp đến cuộc sống tự nhiên của rùa biển, chính xác hơn là việc đẻ trứng, ấp trứng rồi thả rùa con về biển của một cựu hội viên cứu hộ Rùa Biển Phuong Thuy Thuy, kênh ZaiTri xin copy giới thiệu mọi người về những góc nhìn khác khi có sự can thiệp bàn tay của con người vào tạo hoá thiên nhiên.
Có rất nhiều người yêu thiên nhiên, yêu động vật và muốn chung tay bảo vệ ngôi nhà Trái Đất nhưng họ không biết phải bắt đầu từ đâu nên đã vô tình đồng hành cùng những điều sai trái.

Bạn đã từng nghe tour “THẢ RÙA CON VỀ VỚI BIỂN” mà một số nơi đang làm không?
Ở đó, họ đồng ý để cho trẻ em (và cả người lớn) tham gia vào việc đem rùa con mới nở thả về với biển lớn như một hành động BẢO VỆ RÙA BIỂN và MÔI TRƯỜNG SỐNG của chúng.
Nhưng bạn biết không, đó là hành động LÀM HẠI có thể GIẾT CHẾT RÙA BIỂN CON đó bạn ạ.
Để mình kể cho bạn nghe câu chuyện về một chú rùa biển nhé:
Mẹ tớ, một rùa biển trưởng thành, theo thông lệ họ nhà rùa biển của tớ thì khoảng 30 tuổi mới bắt đầu biết yêu. Mẹ tớ gặp ba tớ ở vùng biển nhiệt đới quanh đường xích đạo ấm áp, với vẻ vững chãi nặng hơn 100kg và hiền lành chậm chạp ba tớ đã chiến thắng nhiều đối thủ để có được mẹ tớ. Đến mùa di cư, ba mẹ tớ cùng “nắm tay nhau” bơi về quê cũ, bắt đầu hành trình đầy gian khổ để về đúng nơi ba mẹ tớ được sinh ra. Rồi mẹ tớ mang thai, ba tớ phải tiếp tục công việc của một rùa biển đực là quay về nơi sinh sống, mẹ tớ phải ở lại vài tuần một mình lên bờ để làm tổ và đẻ anh chị em chúng tớ.
Mẹ tớ đã bơi hàng trăm mà cũng có thể là hàng nghìn km từ nơi kiếm ăn sinh sống đến bãi đẻ là nơi bà ngoại tớ đã từng sinh ra mẹ tớ ở đây. Mẹ tớ bơi qua những ngọn sóng, bao nguy hiểm rình rập để tìm nơi an toàn cho chúng tớ. Mẹ tớ là rùa biển nên không thể mở rộng khung xương sườn để hít thở như những loài động vật khác mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của những nhóm cơ khác để hít không khí vào phổi của mình.
Sau bao ngày bơi không mỏi mệt, mẹ tớ đã về được với nơi “chôn nhau cắt rốn ngày xưa”, bao nhiêu năm sinh sống dưới mặt nước, lần này mẹ tớ quyết định rời khỏi mặt nước lên bờ trong thời kỳ đẻ trứng này. Mẹ tớ từ ngoài khơi ngắm nhìn bờ biển quen thuộc mấy chục năm trước rồi chờ đợi mặt trời lặn, khi màn đêm bao phủ bãi biển mẹ tớ sẽ bò lên bờ.
Đêm ấy là một đêm trăng sáng, mẹ tớ nghe những âm thanh khá ồn ào từ những chiếc tàu sáng rực khiến mẹ sợ hãi, mẹ tớ bơi xa họ để tiến vào bờ. Dưới ánh trăng, lấp lánh bóng nước trên lưng, mẹ tớ bò khỏi làn nước, tiến lên bờ cát mềm êm dịu. Loay hoay mãi, mẹ tớ cũng đã chọn được chỗ đẻ trứng, mẹ tớ dùng hai chân trước gạt hết những thứ gồ ghề trên mặt cát, nhưng gạt hoài không hết, có những thứ gì đó rất cứng. Khi mẹ tớ đào thì càng đào chân mẹ càng đau, hình như chỗ này xác của san hô chết đã làm cứng nhiều lớp như xi-măng, mẹ tớ không thể đào tiếp tục. Lúc đó một vài âm thanh của tiếng hát con người, vài ánh đèn đâu đó của con người lọt vào tai mắt mẹ tớ, mẹ tớ đành quay đầu bò về phía biển, mẹ tớ phải nín đẻ đêm hôm ấy chờ qua ngày hôm sau.
Đêm hôm sau, một lần nữa, mẹ tớ bò lên bãi, mẹ chọn vùng cát khác mềm hơn, cuối cùng mẹ đã đào được tổ với hai chân mỏi nhừ. Khi thấy cái tổ được đào xong, mẹ bắt đầu đẻ, một trứng rơi xuống, hai trứng, ba trứng… cuối cùng cả trăm trứng nằm chồng lên nhau nhẹ nhàng dưới tổ, lúc này mẹ tớ đã mệt nhoài và đau đớn nhưng mẹ tớ giành chút sức lực còn lại dùng hai chân trước lấp kín tổ, rồi xóa hết dầu vết cái tổ mình vừa tạo ra rồi mẹ lẳng lặng bò về phía biển. Từ đó chúng tớ không hề được gặp lại mẹ. Tớ biết không phải vì mẹ không thương chúng tớ nên không chăm sóc con sau khi đẻ mà vì rùa biển là thế, bản năng bảo vệ trứng của mẹ tớ cũng thể hiện tình yêu giành cho con không kém bất kỳ loài nào. Chúng tớ được an toàn cho đến ngày nở, mẹ tớ đã hoàn thành thiên chức của mình. Tớ vẫn yêu ba mẹ tớ.
Ước chừng khoảng hai tháng sau khi nằm trong trứng và trong bọc tổ ấm áp, tớ bắt đầu muốn chui ra ngoài. Hôm ấy, tớ cảm thấy khó chịu, tớ vùng vẫy và đập vỡ lớp vỏ trứng, cả ngày trôi qua tớ vẫn nằm gọn trong vò trứng không thể thoát ra. Tớ tiếp tục cố gắng không ngừng, tớ tiếp tục phá vỏ trứng, cuối cùng sau 2 ngày tớ cũng thò được cái đầu ra ngoài. Ơ, xung quanh tớ các anh chị tớ cũng vừa phá xong lớp vỏ, các em thì vẫn đang còn lục đục trong ấy.
Sau khi tớ thoát ra khỏi cái vỏ trứng, tớ lại tiếp tục cảm nhận mọi thứ xung quanh mình, rồi tớ cảm nhận được điều kiện thích hợp để bắt đầu trèo lên khỏi tổ. Ôi chao, cái tổ sao mà cao, tớ trèo lên rồi lại tụt xuống, tớ lấy hết sức bình sinh trèo nữa, tớ bị ngã đè lên một chị của tớ, chúng tớ vội bật dậy trèo tiếp. Trèo mãi cho đến khi cái tổ trống dần, các anh chị em đã trèo lên được bề mặt rồi. Tớ lại tiếp tục trèo, phải trèo thôi vì tớ nghe tiếng biển, tiếng của gia đình kêu gọi. Một lần nữa, tớ bám vào thành tổ trèo lên và rồi tớ đã thoát khỏi tổ trong khi vẫn còn các anh chị em tớ dưới ấy.
Tớ bắt đầu xác định phương hướng, đằng kia là biển, chạy thôi. Hình như anh trai tớ vừa ngã bật 4 chân lên trời, anh ấy phải tự cố gắng lật lại mà chạy không thì kẻ thù sẽ đến ăn thịt anh ấy mất. Đằng kia chị gái tớ bị một chú chim cắp đi mất rồi. Ôi, một cái gì đó vừa chạm vào em gái tớ, tớ sợ cô bé sẽ mất khả năng định vị mất thôi. Tớ chạy tiếp, biển gần lắm rồi, mùi vị thân quen, chân tớ ươn ướt, tớ đang hòa mình vào biển mẹ đây. Con sóng tràn lên, tớ quay lại lần nữa nhìn bờ biển quen thuộc, nơi 30 năm nữa tớ sẽ quay về đẻ trứng như mẹ tớ. Tớ đã từng tự hỏi sao mẹ tớ nhớ đường quay về sau gần 30 năm xa cách, nhưng bây giờ thì không cần nữa vì tớ là một con rùa, tớ đã hiểu vì sao chúng tớ không cần định vị, không cần bản đồ cũng biết chính xác nơi mình muốn quay về.
Mời xem clip rùa đẻ trứng quay tại Côn Đảo

Một con sóng nữa cuốn tớ ra xa hơn, tớ cảm nhận từ trường của trái đất và thành phần hóa học của nước biển, định hướng theo ánh sáng đường chân trời, hướng sóng, dòng chảy…
Tớ nhìn thấy một em trai mình vừa bị cá nuốt chửng vào bụng rồi. Mẹ tớ không hề nói nhưng tớ biết rằng chúng tớ khó mà gặp lại anh chị em ruột thịt bởi một ngàn rùa con như tớ ra biển thì chỉ có một rùa con sống sót đến tuổi trưởng thành mà lần này mẹ tớ chỉ sinh được khoảng chừng 100 trứng, chỉ khoảng 80 chúng tớ được ra đời. Tớ biết mình sẽ cô đơn lắm trong lòng đại dương bao la.
Tớ bơi liên tục không ăn, không nghỉ trong 24 giờ đầu tiên, tớ không thấy đói, không thấy mệt, tớ bắt đầu cuộc hành trình chu du khắp các đại dương như vậy đó bạn ạ.
Vì vậy bạn ơi đừng chạm vào người tớ với cái tên mỹ miều THẢ RÙA CON VỀ VỚI BIỂN LỚN, sẽ hại tớ mà thôi, tớ sẽ dễ dàng chết đi khi về với biển hơn mà thôi các bạn ạ. Cứ mặc kệ chúng tớ leo trèo, cứ mặc kệ chúng tớ bật ngã, mặc kệ chúng tớ lon ton chạy về biển, các bạn hãy đứng ngắm thôi, đừng làm ồn, đừng chụp ảnh có flash, đừng làm hại chúng tớ nhé.
P/s: Xin nhắc lại, 1.000 rùa biển con như tớ về biển thì chỉ có 1 sống sót đến tuổi trưởng thành thôi vì đó là quy luật thiên nhiên rồi, chúng tớ không phiền hà khi làm mồi cho các loài khác. Nhưng xin con người đừng làm trái quy luật tự nhiên bằng cách thịt luôn con còn lại bằng việc săn bắt chúng tớ, ăn trứng của chúng tớ. Chúng tớ duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái đại dương đó các bạn ạ, khi mất chúng tớ rồi thì các bạn hối hận cũng quá muộn màng thôi.
Hãy chung tay bảo vệ chúng tớ nhé:
– Đừng tham gia những tour cho phép chạm vào rùa con hay cưỡi trên lưng rùa mẹ.
– Đừng bao giờ mua, bán hoặc ăn thịt, trứng rùa biển và các đồ lưu niệm được làm từ rùa biển.
– Hãy bỏ rác đúng chỗ, nói không với đồ nhựa, túi nilon dùng một lần, giữ cho môi trường biển trong lành.
– Hãy cẩn thận khi đánh cá.
– Nếu có thể hãy gia nhập các nhóm cộng đồng, đội tình nguyện viên về bảo vệ rùa biển, giúp đỡ các khu bảo tồn biển.
– Hãy chia sẽ cho mọi người biết về rùa biển.
Bài viết: Phuong Thu Thuy
****
Thao khảo thêm thông tin tại sao không nên chạm vào rùa ở link sau: https://www.nps.gov/pais/learn/nature/hatchlingreleases.htm
#HãyBảoTồnRùaBiển #RùaBiểnNguyCơTuyệtChủng #CùngGiảiCứuSứGiảĐạiDương#HãyNgừngThayMàuBiểnXanh

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

‎Pham Chien on Tây Bắc mùa lúa chín
chợ đêm đà lạt on Khám phá chợ đêm Đà Lạt 2018
Mâm Xôi Vàng on Tây Bắc mùa lúa chín
Bui Huy Phuong on Tây Bắc mùa lúa chín